Uncategorized with tags , , 07 August, 2005

Đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu hàng hóa là yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp cần phải nghĩ tới khi chuẩn bị đưa một sản phẩm mới ra thị trường.

Trên thực tế, các doanh nghiệp luôn chú trọng việc xây dựng, khuyếch trương, quảng cáo cho sản phẩm để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa. Sản phẩm càng nổi tiếng, sức tiêu thụ càng nhiều và khả năng thu lời càng lớn. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp ít quan tâm là thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa của mình trước sự xâm phạm của các doanh nghiệp khác. Trong kỳ này, Luật sư của Sức Trẻ xin được cùng với doanh nghiệp tìm hiểu về khái niệm nhãn hiệu hàng hóa và các quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở nước ta:

I. Nhãn hiệu hàng hoá là gì, các yếu tố cấu thành nhãn hiệu hàng hóa? Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu hàng hóa bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ.

II. Những dấu hiệu nào có thể được bảo hộ là Nhãn hiệu hàng hóa? Như vậy, đặc điểm cơ bản của nhãn hiệu hàng hóa chính là yếu tố phân biệt của nhãn hiệu này với nhãn hiệu khác. Để được bảo hộ, các dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu hàng hóa phải được công nhận là có khả năng phân biệt và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố độc đáo, dễ nhận biết hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết;
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đang được bảo hộ tại Việt nam (kể cả các nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia);
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ nhưng thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì nhãn hiệu hàng hóa không được sử dụng.
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác được coi là nổi tiếng hoặc với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi.;
  • Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đang được bảo hộ, hoặc với chỉ dẫn địa lý (kể cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) đang được bảo hộ;
  • Không trùng với KDCN được bảo hộ hoặc đã được nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ với ngày ưu tiên sớm hơn;
  • Không trùng với một hình tượng, nhân vật đã thuộc quyền tác giả của người khác trừ trường hợp được người đó cho phép

Từ những yếu tố phân biệt nêu trên, chúng ta có thể xác định những yếu tố không có khả năng phân biệt. Theo quy định, các nhãn hiệu không có khả năng phân biệt bao gồm các hình và hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ; chữ nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng sẽ không được bảo hộ. Tuy nhiên, những nhãn hiệu như thế có thể được bảo hộ nếu chúng được sử dụng và được biết đến một cách rộng rãi, có nghĩa là chúng mang ý nghĩa thứ hai, khác với ý nghĩa thông thường. Ngoài ra, những nhãn hiệu mang tính mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ cũng được coi là không có khả năng phân biệt.

III. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Sau khi đã xây dựng được một nhãn hiệu hàng hóa có đầy đủ các yếu tố phân biệt, một công việc hết sức quan trọng là doanh nghiệp cần phải ngay lập tức thực hiện đăng k‎‎ý nhãn hiệu hàng hóa đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ trước sự xâm phạm của các nhà sản xuất khác. Để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cần phải có các thông tin và tài liệu sau:

  1. Giấy ủy quyền đại diện có dấu và chữ ký của Người Nộp Đơn. Trong trường hợp Người Nộp Đơn không phải là pháp nhân, Giấy uỷ quyền phải được công chứng;
  2. 15 mẫu nhãn hiệu;
  3. Danh mục sản phẩm/dịch vụ yêu cầu bảo hộ và nhóm sản phẩm tương ứng theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (nếu biết);
  4. Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  5. Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế (tài liệu này có thể nộp trong thời hạn ba (3) tháng tính từ ngày nộp đơn).

Theo quy định, thời gian đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa kể từ khi nộp đơn đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này thường kéo dài thêm 3 đến 4 tháng và trải qua các giai đoạn sau:

  1. xét nghiệm hình thức (3 đến 4 tháng);
  2. xét nghiệm nội dung (9 đến 11 tháng); và
  3. cấp và công bố Văn bằng bảo hộ (1 đến 2 tháng).

Archives