Uncategorized with tags , , 11 October, 2005

Coca-Cola – Người khổng lồ của những thương hiệu mạnh nhất thế giới

“Nước ngọt” không còn đơn giản chỉ là cái tên cho một loại nước uống có ga mang vị ngọt. Không biết tự bao giờ, nó đã trở thành biểu tượng cho một phong cách sống sôi động và trẻ trung.

Có được sự hóa thân diệu kì ấy, người đáng được kể công đầu tiên, hơn ai hết, chính là Coca-Cola – “gã khổng lồ” luôn đi tiên phong trong hàng ngũ những thương hiệu mạnh nhất thế giới.

Từ thuốc chữa đau đầu đến thương hiệu thế giới…

Có một sự thật thú vị không phải ai cũng biết về loại nước uống trứ danh này: thủa sơ khai khi mới xuất hiện, nó vốn là một thứ thuốc uống do John Pemberton, một dược sĩ bang Atlanta, Mỹ, pha chế với công dụng chữa bệnh… đau đầu. Khi đó, ông dược sĩ rao bán cho người dân quanh vùng với giá khá “bèo”: 5 cent 1 cốc.

Chính Frank Robinson, nhân viên kế toán của Pemberton, là người đặt tên cho thứ nước sirô ngòn ngọt ấy. Coca-Cola là sự kết hợp những chiết xuất tinh túy nhất từ lá cây coca và hạt cây kola. Cho đến năm 1929, hoạt chất cocaine đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi công thức chế tạo, chỉ còn lại một lượng nhỏ cafeine đủ để tạo cảm giác hưng phấn.

Pemberton không phải là nhà kinh doanh và điều tất yếu là ông đã không nhìn thấy hết sức mạnh kì diệu của món nước uống tiềm năng này. Trong khoảng thời gian từ 1888 đến 1891, ông lần lượt bán lại toàn bộ công ty mình cho 1 doanh nhân tên là Asa Griggs Candler.

Sau khi trở thành vị chủ tịch đầu tiên của tập đoàn Coca-Cola, Candler bắt đầu cuộc hành trình đi khắp nước Mỹ giới thiệu sản phẩm đến các dược sĩ và thuyết phục họ bán lẻ tại các quầy thuốc của mình. Và để những nỗ lực quảng bá thêm phần hiệu quả, ông còn tặng họ đủ loại lịch, đồng hồ, cân sức khỏe và vô số vật dụng khác có in logo Coca-Cola, kèm theo phát vé uống nước miễn phí cho khách hàng.

Nhưng ngay cả Candler cũng không nhận thấy hết tiềm lực thực sự của thương hiệu. Do không tính tới khả năng khách hàng có thể muốn chu du đây đó cùng 1 chai nước ngọt gọn nhẹ trên tay nên năm 1899, ông chuyển nhượng bản quyền kỹ thuật đóng chai cho 2 luật sư ở bang Tennessee với giá… 1đô la. Ngay sau đó, 2 người này đã phát triển dây chuyền đóng chai thành một ngành kinh doanh phát đạt và bán lại bản quyền cho các doanh nghiệp khác trên khắp nước Mỹ. Năm 1916, công ty Root Glass thiết kế cho Coca-Cola mẫu chai với đường cong hình số 8, và đây chính là nét đặc trưng không thể nhầm lẫn giữa Coca-Cola với bất kì sản phẩm nước uống bắt chước nào khác. Rút kinh nghiệm, lần này Coca-Cola không chậm trể đăng kí ngay bản quyền cho kiểu dáng có một không hai.

Năm 1918, Candler bán lại công ty cho Ernest Woodruff, để rồi sau đó người con trai Robert Woodruff kế nhiệm chức chủ tịch và làm nên kì tích cho lịch sử phát triển thương hiệu Coca-Cola. Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2, Woodruff kiên trì thực hiện tôn chỉ: “Tất cả các quân nhân Mỹ được hưởng ưu đãi: mua 1 chai Coca-Cola chỉ với giá 5 cent, cho dù ở bất kì đâu, và cho dù công ty có chịu tổn thất đến mức nào”. Nhờ đó, chai nước ngọt mang màu đỏ đặc trưng đã theo chân người Mỹ đi khắp các chiến trường, và cái tên Coca-Cola nhanh chóng trở nên quen thuộc ở mọi ngóc ngách của thế giới.

Không hiểu đây có phải là “chiến thuật” đã được tính toán từ trước, hay đơn giản chỉ là tấm lòng rộng lượng của một doanh nhân nặng tình với nước nhà, nhưng rõ ràng sau vụ này Coca-cola đã thu hoạch một khoản lợi nhuận vô hình khổng lồ: chiến tranh kết thúc cũng là lúc hàng triệu người dân châu Âu tìm tới thứ nước uống có ga mới lạ. Đến năm 1960, Coca-Cola đã tăng gấp đôi số nhà máy đóng chai và thâu tóm trên 60% thị trường nước ngọt.

Sai lầm lớn nhất của mọi thời đại

Tuy nhiên, cũng chính lúc này, Coke – khách hàng trung thành vẫn gọi Coca-Cola bằng cái tên trìu mến như vậy – bắt đầu đối mặt với hàng loạt thách thức trong nỗ lực nhằm duy trì vị trí thống trị. Ban đầu, sự cạnh tranh xuất phát từ chính những dòng sản phẩm mới của Coca-Cola như Sprite, TAB, Fresca, Diet Coke. Mối đe dọa thực sự xuất hiện năm 1898 với sự ra đời của Pepsi-Cola, và không biết tự lúc nào, “cuộc chiến cola” đã được châm ngòi và trở thành một trong những cuộc đụng độ này lửa nhất trong lịch sử chiến tranh thương hiệu thế giới.

Bất chấp sự thành công rực rỡ của chiến dịch quảng cáo “Tôi muốn mua Coke cho cả thế giới” năm 1971, Coca-Cola vẫn liên tục đánh mẩt thị phần vào tay Pepsi. Chính điều này đã khiến cho vị chủ tịch tập đoàn lúc đó là Roberto C. Goizueta như ngồi trên đống lửa, và cuối cùng dẫn tới cái – gọi – là “một trong những sai lầm kinh doanh lớn nhất mọi thời đại”: năm 1985, New Coke ra đời.

Mặc dù hàng nghìn các cuộc thử nghiệm trước đó đều cho thấy người dùng rất thích hương vị mới của Coca-Cola, nhưng không ai có thể lường trước được những khách hàng trung thành lại phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt đến vậy khi nghe tin New Coke sẽ thay thế hoàn toàn cho loại nước uống truyền thống yêu thích.

Chẳng mấy chốc, doanh số bán hàng “rơi” tự do. Ngay chính trên đất Mỹ, Coke không đạt nổi 24% thị phần. Sau 3 tháng, Goizueta không còn sự lựa chọn nào khác là tìm về với loại nước uống truyền thống dưới cái tên “Coke Classic”. Ông thừa nhận: “Thực tế đã quá rõ: tất cả mọi công sức, tiền của và kĩ thuật đổ vào các cuộc nghiên cứu sản phấm mới đều trở thành vô nghĩa, bởi giá trị cảm nhận vô hình đối với Coca-Cola đã bám rễ quá sâu trong tâm trí khách hàng và không thể nào thay đổi”.

Tuy thế, hình ảnh New Coke không nhanh chóng biến mất trong ngày một ngày hai. Cho đến nay, nó vẫn tồn tại dưới cái tên Coke II và được bày bán đâu đó ở một số ít các siêu thị trên khắp thế giới.

“Cuộc chiến cola”

Pepsi, sau một thời gian ngắn nhen nhỏi chen chân lên vị trí số 1 lại bị đẩy lùi xuống hàng thứ 2, nhưng “cuộc chiến cola” thì vẫn không ngừng tiếp diễn. Giai đoạn đối đầu căng thẳng nhất diễn ra vào giữa những năm 1980 và 1990. Cả hai công ty “sát phạt” nhau không thương tiếc, từ tranh giành quyền tài trợ chính thức cho các sự kiện thể thao cho đến những vụ “hất cẳng” nhau giành thế độc quyền trong các nhà hàng hoặc khu vui chơi giải trí quan trọng.

Hiện tại, Coca-Cola vẫn được coi là gã “chịu chơi” và hào phóng nhất trong lĩnh vực tài trợ các giải đấu toàn cầu, hơn hẳn Pepsi hay bất kì công ty nào khác, với số tiền tài trợ mỗi năm lên tới trên 1 tỷ USD. Coke là một trong những nhà tài trợ chính cho World Cup 2002 và tiếp tục giữ vững vị trí đó trong năm 2006 sắp tới. Đấy là chưa kể danh hiệu “Mạnh thường quân” cho các kì Olympics suốt từ năm 1928 đến nay.

Tương lai của một đế chế

Tính đến nay, Coca-Cola đã cho ra mắt hơn 300 nhãn hiệu nước giải khát khác nhau như Sprite, TAB, Fresca, Diet Coke, Surge, PowerAde, Mr. Pibb, nước lọc đóng chai Barq’s, Dasani hay dòng nước quả ép Minute Maid. Gần đây nhất là Vanilla Coke, bắt đầu xuất hiện trên giá các siêu thị từ năm 1992 và tạo ra không ít các phản ứng khác nhau từ phía người tiêu dùng.

Tương lai của Coca-Cola sẽ ra sao? Thiết nghĩ đây không phải là câu hỏi đáng quan tâm, nhất là trong thời điểm này. Đa số mọi người đều cho rằng: một khi Coca-Cola đã sống sót sau thảm họa New Coke thì chẳng có thách thức nào là không thể vượt qua. Cuộc chiến cola sẽ không bao giờ đi đến hồi kết thúc, nhưng hình ảnh Coke đã quá sâu đậm trong tâm trí cộng đồng đến nỗi người ta khó có thể hình dung ra một ông vua nào khác trong vương quốc của những lon nước ngọt, cả bây giờ và mãi mai sau.

Archives