16 June, 2017
Một quảng cáo mạng viễn thông sử dụng bài hát có ca từ ý nghĩa để “chiến đấu” với nạn khủng bố được lan truyền rộng rãi ở vùng Trung Đông thời gian gần đây. Quảng cáo này khiến người xem cảm thấy vững tin hơn vào tình yêu thương đồng loại và tương lai. Tuy nhiên, mặt khác, nó cũng gây ra những phản ứng trái chiều khi đề cập tới các sự kiện nổ bom và tên nạn nhân có thực nhằm quảng bá thương hiệu, cũng như đặt ra dấu hỏi về vai trò của Hồi giáo trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Bắt đầu với một quảng cáo TV mới từ công ty viễn thông Trung Đông – Zain, video này đã khơi dậy những cuộc tranh cãi gay gắt trong số các quốc gia nói tiếng Ả Rập về việc sử dụng hình ảnh của nạn nhân của những vụ bạo lực trong khu vực. Zain, công ty có trụ sở tại Kuwait, phát hành video trên vào ngày 26/5, ngay trước khi bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người đạo Hồi. Video nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên internet, thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ, thảo luận trên mạng xã hội.
Video kéo dài 3 phút được đăng tải trong tháng ăn chay Ramadan, thời điểm số lượt người xem TV tăng lên đáng kể. Quảng cáo bắt đầu với hình ảnh những đứa trẻ đang chơi bóng đá và một người đàn ông lớn tuổi hôn bàn chân nhỏ nhắn của một em bé sơ sinh, xen kẽ với hình ảnh kẻ đánh bom tự sát chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công bằng bom tự tạo tại nhà. “Tôi sẽ nói với Thánh mọi thứ,” giọng một cậu bé vang lên trong những phân cảnh đầu tiên của video. “Rằng ông đã lấp đầy các nghĩa trang bằng thi thể của những đứa trẻ và khiến các trường học trở nên trống vắng. Rằng ông đã gây ra bất ổn và biến đường phố của chúng tôi thành bóng tối.”
Kẻ đánh bom liều chết này khoác lên người hàng loạt kíp nổ bước lên xe buýt. Tuy nhiên, những người có cùng đức tin đã kêu gọi hắn ta ngừng thực hiện vụ tấn công bằng cách khơi dậy lòng tin vào thánh Allah, cũng như cảm giác hổ thẹn khi trở thành kẻ sát nhân bằng việc đề cập đến ý nghĩa của việc là một người Hồi giáo chân chính.
Nhân vật chính của video là Hussain Al Jassmi, một ca sĩ nhạc pop đến từ các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, truyền tải những thông điệp nhân văn như: “Tôn thờ vị thánh của bạn bằng tình yêu, chứ không bởi nạn khủng bố”, hay “Hãy đánh bom sự ảo tưởng bằng sự thật”. Đồng thời, video cũng sử dụng chất liệu từ những vụ tấn công có thật ngoài đời, ví dụ như vụ đánh bom diễn ra vào năm 2016 ở quận Karrada, Iraq. Ngoài ra, một số vai diễn đến từ những người là nạn nhân trực tiếp của nạn khủng bố cũng được hiện lên màn ảnh, tiêu biểu là một người cha có con tử vong trong vụ tấn công ở Baghdad, một cô dâu sống sót sau vụ đánh bom năm 2005 nhằm vào đám cưới của cô ở Jordan hay một người đàn ông may mắn giữ được mạng sống trong vụ đánh bom tại nhà thờ Hồi giáo Shiite ở Kuwait.
Những cảnh quay tái hiện lại các vụ tấn công khủng bố ở Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Jordan — các quốc gia hiện Zain đang kinh doanh mạng viễn thông và di động. Khi âm nhạc trở nên sôi nổi hơn, mọi người túa ra từ những nhà thờ Hồi giáo, trẻ em rời khỏi trường học để “tuyên chiến” với kẻ đánh bom. Vào thời điểm hắn ta phải quỳ xuống, đám cưới diễn ra, pháo hoa nổ tưng bừng và Al Jassmi hát:
“Hãy đánh bom sự bạo lực bằng tình thương,
Hãy đánh bom sự ảo tưởng bằng sự thật,
Hãy đánh bom sự thù hận bằng tình yêu,
Hãy đánh bom sự cực đoan cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Cho tới nay, video đã đạt được gần 7 triệu lượt xem trên Youtube, gần 100 nghìn lượt like và 10 nghìn lượt bình luận. Với thông điệp sâu sắc và cách truyền tải đầy kịch tích, quảng cáo đã thu được những lời tán dương xứng đáng từ người xem.
Rất nhiều người xem đã khen ngợi quảng cáo này với những bình luận tích cực.
Tuy nhiên, video cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh việc sử dụng hình ảnh giả tưởng về Omran Daqneesh, một cậu bé 5 tuổi người Syria đã có bức ảnh được biết đến trên toàn thế giới sau vụ tấn công trên không vào năm ngoái. Những người phê bình cho rằng việc đề cập đến cậu bé gây ra sự hiệu lầm bởi vụ tấn công trên không kể trên được gây ra bởi chính phủ Syria, chứ không phải là những kẻ khủng bố. Một hashtag tiếng Ả Rập được phổ biến, dịch ra là Zain làm méo mó sự thực (#Zain_Distorts_the_Truth).
Những lời chỉ trích khác nhằm vào việc quảng cáo sử dụng hình ảnh của các vụ khủng bố để bán hàng và không đề cập tới nguyên nhân sâu xa hơn của nạn bạo lực ở khu vực Trung Đông.
“Thêm một lý do để không thích quảng cáo TV nhân dịp Ramadan của Zain”, Rawan Da’as, một nhà hoạt động vì nhân quyền người Jordan, chia sẻ trên Twitter. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Da’as nói rằng: “Tôi không chịu trách nhiệm khi có khủng bố xảy ra, và cái tôi nhìn thấy ở những quảng cáo kiểu thế là chúng cổ súy cho suy nghĩ rằng khủng bố liên quan tới đạo Hồi theo một cách nào đó. Đối với tôi, điều đó thực sự xúc phạm.”
Bà cũng đồng thời chỉ trích việc sử dụng hình ảnh của cậu bé Syria.
“Họ đặt Omran vào trong video cứ như thể cậu bé là nạn nhân của khủng bố trong khi thực sự chính quyền Syria mới là thủ phạm gây ra vụ tấn công. Sẽ chẳng hay ho gì nếu những người làm ra video này làm méo mó sự thật, cho rằng những cậu bé ở Syria đang phải chịu đựng nỗi đau mà không đề cập đến nguyên nhân.”
Những lời lên án khác cho rằng người Hồi giáo nói chung cần có trách nhiệm bảo vệ Hồi giáo khỏi nhận thức rằng tôn giáo này chỉ có cực đoan và bạo lực.
Cho dù những lời phê bình kể trên có giành phần thắng hay không, quảng cáo rõ ràng đã được tạo ra với mục đích chia sẻ thông điệp về tình yêu và sự hàn gắn đối với người xem phương Tây, trong khi cũng đồng thời phản ánh góc nhìn tích cực về niềm tin của người Hồi giáo. Trong một phân đoạn, Al Jassmi hát, “Thuyết phục người khác bằng sự khoan hồng, không phải bằng vũ lực” khi ông hướng về một khách du lịch trẻ, da sẫm, tóc vàng đang nói chuyện với một người đàn ông Hồi giáo lớn tuổi, trước tấm bảng ghi bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh “Hãy để tôn giáo không tồn tại sự ép buộc.”
Chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng bành trướng mạnh mẽ trong số các quốc gia nói tiếng Ả Rập cùng với sự gia tăng sức ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq và các vụ tấn công từ Libya cho tới Kuwait. Rõ ràng, để sử dụng vấn đề nhạy cảm này, bất cứ thương hiệu nào cũng cần phải lên kế hoạch ý tưởng một cách kỹ lưỡng và chuẩn bị lường trước tất cả những phản ứng trái chiều có thể xảy ra.
Nguồn: Adweek, The New York Times