16 November, 2018
Mọi hình ảnh và âm thanh trong video quảng cáo bạn sắp xem dưới đây đều là đồ tái chế 100%. Và dĩ nhiên, dòng sản phẩm được quảng cáo “Trash Tee” – áo thun thuộc thương hiệu Everybody.World cũng được sản xuất từ 100% sợi vải tái chế.
Nguồn gốc ý tưởng
Everybody.World cho biết: “Chỉ riêng một cây bông có 500.000 lbs sợi bông phế thải (tương đương khoảng 226.796.2kg). Trong khi để sản xuất ra một chiếc áo thun chỉ sử dụng khoảng ½ lbs bông (tương đương 227g). Đây quả là một sự phí phạm khủng khiếp nếu tính từ những ngày sơ khai của ngành công nghiệp thời trang.”
Từ thực tế này, thương hiệu Everybody.World đến từ Mỹ đã cho ra đời dòng sản phẩm chủ lực của mình với cái tên rất đặc biệt “Trash Tee”. Và đúng với tên gọi, đây là chiếc áo thun đầu tiên trên thế giới được chế tạo vô cùng tỉ mỉ từ 100% sợi cotton tái chế.
Không dừng lại ở đó, sau khi sợi cotton tái chế được sản xuất thành áo thun thì phế phẩm còn lại là bụi vải và cành khô cũng sẽ được nén lại thành các ụ thức ăn dinh dưỡng cho bò. Vậy là không có bất kì thứ gì bị lãng phí cả!
Sau khi gặp gỡ 2 đồng sáng lập Everybody.WorldIris là Alonzo và Carolina Crespo, đạo diễn Anton du Preez – người đứng sau chiến dịch Adidas Orginal – “Orginal is never finished” nổi tiếng đã quyết định tạo nên một quảng cáo tái chế 100% để giới thiệu “Trash Tee” cũng như nâng cao ý thức về môi trường cho cộng đồng.
Đạo diễn Anton du Preez cho biết: “Sau khi nói chuyện về quy trình sản xuất những chiếc áo thun này, tôi đã vô cùng bất ngờ trước lượng cotton bị lãng phí trong ngành công nghiệp thời trang từ trước đến nay. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đã quyết định tham gia vào chiến dịch để giúp tạo nên nhận thức đúng đắn cho mọi người.”
Cách triển khai ý tưởng
Để làm ra video này, Anton du Preez quyết định quay một số cảnh trên nền cuộn film Kodak màu cổ điển cho hợp với đoạn phim 14 tuổi trong kho lưu trữ đã được lựa chọn từ trước. Sau đó, các đoạn phim này sẽ được tùy chỉnh, cắt ghép một cách khéo léo lại với nhau bởi biên tập viên Winnie Cheung thuộc công ty sản xuất Picture Farm.
Các hình ảnh trong video bao gồm: bầu trời trong xanh đầy nắng, dây chuyền sản xuất sợi bông, các công nhân mỉm cười, các loại vải bay phấp phới trong gió và quang cảnh quan thành phố Los Angeles hiền hòa.
Không chỉ hình ảnh trên mà các đoạn âm thanh, lời thoại trong video cũng là hàng “second hand”. Nhóm làm video đã cắt ghép từng âm, từng tiếng từ các trích đoạn ngắn của PSAs – Public Service Announcement – Bản tin thông báo dịch vụ công cộng từ những năm 1950 để tạo thành các câu nói hoàn chỉnh, cho người xem cảm giác giống như đang nghe tiếng nói từ máy cassette cũ hay giọng rè rè đặc trưng của rô bốt.
“Tài nguyên của Trái Đất rất quý giá và ngành thời trang có thể gây hại.”
“Với tư cách nhà sản xuất, chúng tôi nghĩ luôn cố gắng hết sức mình để đưa ra những hành động đúng đắn nhất vì môi trường và hành tinh của chúng ta.”
“Nếu chúng tôi không thay đổi, thì ai sẽ thay đổi? Thay đổi thế giới bằng cách thay đổi phương pháp tạo ra mọi thứ.”
Khi được hỏi đâu là thử thách lớn nhất khi tạo ra video quảng cáo tái chế cho áo thun “Trash Tee”, đạo diễn Anton du Preez đã trả lời đó là việc phải cắt tất cả hình ảnh và âm thanh từ rất nhiều nguồn khác nhau rồi ghép lại sao cho mượt mà, phù hợp nhất để truyền tải đúng-đủ-đạt thông tin của thương hiệu.
Kết luận
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang thay đổi lập trường, quan điểm sản xuất và cố gắng tái chế, tái sử dụng nhiều thứ nhất có thể để giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường. Nhưng chính Everybody.World đã đưa mọi thứ lên một tầm cao mới với quan điểm: “Không phải chỉ có sợi vải mà kể cả video quảng cáo cũng có thể được tạo ra từ các nguyên liệu tái chế, chỉ cần bạn đủ tâm huyết và sáng tạo.”
Thông điệp của sản phẩm, thương hiệu được tích hợp một cách thống nhất trong video mà vẫn đơn giản, dễ hiểu và tạo nên ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Everybody.World đã tạo ra một quảng cáo truyền tải chính xác những gì họ đang cố gắng làm để góp phần cứu lấy hành tinh này, thu hút sự chú ý dành cho sản phẩm áo thun “Trash Tee” và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Nguồn: Adweek