Campaign reviews with tags , , 26 June, 2017

Ba chiến dịch “xanh” đáng chú ý của Colgate, Greenpeace, và Houdini Sportswear

Biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên hay bảo vệ môi trường nói chung là vấn đề luôn được quan tâm. Dù từ lâu con người đã có nhiều động thái tích cực, nhưng chúng ta vẫn phải hứng chịu cơn giận dữ khủng khiếp của thiên nhiên, từ những đợt nắng nóng cao điểm cho tới các thiên tai thảm khốc không có dấu hiệu dừng lại.

Là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đã trở thành một dấu hiệu cho thấy sự thân thiện và tầm nhìn lâu dài của thương hiệu. Hãy cùng tìm hiểu 3 chiến dịch quảng cáo ngoài trời giúp nhãn hàng truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng dưới đây!

Từ dòng chữ vô hình trên gương của Colgate…

Save-water-mirror-Colgate

Theo thống kê, một người châu Âu trung bình sử dụng hết 250 lít nước một ngày. Nếu tắm trong vòng 5 phút, lượng nước tiêu tốn sẽ rơi vào khoảng từ 94,5 tới 189,3 lít nước.

Nhằm mục đích nhắc nhở khách hàng ngưng lãng phí tài nguyên nước, vào ngày Nước Thế giới 22/3 vừa qua, Colgate và Y&R Moscow đã thực hiện chiến dịch “Save Water Mirror” tại khách sạn AZIMUT – một trong những chuỗi khách sạn quốc tế lớn của Nga.

Thay vì sử dụng các kênh quảng cáo thông thường, Colgate và Y&R Moscow đã tận dụng chính những chiếc gương trong phòng khách sạn. Được viết bởi một chất liệu chống thấm nước, các thông điệp mới đầu sẽ vô hình và chỉ hiện lên khi vòi nước chảy liên tục, khiến hơi ẩm bay lên và bám trên bề mặt gương. Với cách thức triển khai này, Colgate đã khiến quảng cáo của mình trông giống như một công tắc nhắc nhở khéo léo đúng vào thời điểm người sử dụng đang lãng phí nước.

Kết quả trên website http://www.savewatermirror.com/2/ cho thấy, chiến dịch đã tiếp cận tới 48 triệu người, giúp tiết kiệm 15% lượng nước sử dụng tại khách sạn AZIMUT. Thông tin về chiến dịch, các thông điệp như “Water is a life”, “Every drop counts”, v.v…  với hashtag #SaveWaterMirror nhận được sự chia sẻ và phản hồi tốt từ cộng đồng.

…tới mô hình gấu Bắc Cực kẹt trong tảng băng…

Reverse-Global-Warming-Project

Vào tháng 5 vừa rồi, một mô hình quảng cáo tương tác với hình ảnh gấu Bắc Cực bị dính chặt vào tảng băng trôi được đặt ngay trước Pitt Street Mall – một trong những trung tâm mua sắm sầm uất nhất nằm tại Sydney, Australia.

Với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, Nic Seton – phó giám đốc của Greenpeace phát biểu: “Một trong những khó khăn lớn nhất khi nói về vấn đề trái đất nóng lên là mọi người khó hình dung được hành động của họ tác động tới thực tế như thế nào”.

Là một phần trong chiến dịch “Save the Artic” của Greenpeace và Ogilvy & Mather Singapore, bảng quảng cáo này cho phép mọi người tương tác trên màn hình hiển thị. Với mỗi lượt scan từ điện thoại cá nhân, quá trình tan băng sẽ được đảo ngược. Càng đông người tham gia, sự khôi phục càng thể hiện rõ hơn trên mô hình.

Với cách triển khai thông minh, sự minh hoạ này đã thể hiện chính xác mong muốn từ Greenpeace: “Chúng tôi hy vọng rằng chiến dịch này sẽ tạo nên sự khác biệt. Bằng việc hành động cùng nhau, chúng ta có thể làm chậm, dừng lại, thậm chí là đảo ngược những thiệt hại đã gây ra”.

…và giải pháp tái chế thành món ăn nằm trong chính sản phẩm

maxresdefault (2)

Houdini Sportswear là một hãng chuyên cung cấp quần áo phục vụ cho các hoạt động ngoài trời.

Để chứng minh tính thân thiện của sản phẩm với thiên nhiên, Houdini và McCann Stockholm đã thực hiện chiến dịch “The Houdini Menu” với thách thức tạo ra loại vải an toàn tới mức có thể tái chế thành thức ăn.

Houdini đã tìm kiếm những chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên và khám phá ra loại vải mới kết hợp giữa len lông cừu Thổ Nhĩ Kỳ và một số loại khác có thể phân huỷ. Quần áo được làm từ loại vải mới này được chuyên gia ở Scandinavia sử dụng để ủ thành phân bón.

Trải qua 6 tháng chuyển hoá, hỗn hợp bao gồm CO2, H2O, đất và các thành phần khác được dùng để trồng thực phẩm. Dưới bàn tay của đầu bếp Thureson, những cây nấm đầu tiên ra đời từ thử thách đã biến thành món ăn ngon miệng cho chính các khách hàng trung thành của Houdini Sportswear.

Thông qua bàn tiệc mang “hương vị của tương lai”, Houdini Sportswear đã truyền tải mong muốn: “Chúng tôi đang nỗ lực trở thành một công ty góp phần hoàn thiện thế giới hơn là chỉ biết lấy đi những thứ mình cần từ nó”.

Lời kết

Theo thống kê của Nielsen, sự cam kết có trách nhiệm với môi trường sẽ ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 61% khách hàng có xu hướng sẽ trung thành với thương hiệu có cam kết trách nhiệm với các vấn đề xã hội tại nơi họ sinh sống.

Chiến dịch truyền thông với mục đích bảo vệ môi trường không chỉ phần nào giúp giải quyết vấn đề xã hội mà còn tạo được sự tương tác giữa người tiêu dùng và thương hiệu.

Nguồn tham khảo: Ads Of The WorldCreativity Online, The Drum

Archives