08 September, 2017
The Refugee Nation (Quốc gia tị nạn) là một chiến dịch của Tổ chức Ân xá thế giới kết hợp cùng Ogilvy New York nhằm hỗ trợ cộng đồng dân tị nạn trên toàn thế giới. Khởi đầu chỉ từ một nhóm nhỏ gồm 10 vận động viên tại Olympics, chiến dịch giờ đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo người tị nạn khắp nơi, trở thành một “quốc gia” thật sự độc lập với quốc ca và quốc kì của riêng mình.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Olympics chứng kiến sự tham gia thi đấu của những vận động viên không quốc tịch – những người tị nạn. Không giống như các vận động viên khác, 10 tuyển thủ này không đại diện cho bất kỳ quốc gia nào, không quốc kì, không quốc ca. Thay vì chỉ biết chúc họ may mắn tìm được một nơi chốn mới, tại sao ta không tự tạo ra một dân tộc dành riêng cho những người tị nạn?
Ogilvy New York và Tổ chức Ân xá thế giới thật sự đã làm được điều đó. Hiện tại, họ đã trở thành một nhóm gồm hơn 65 triệu người tị nạn khắp thế giới với chung một quốc gia, quốc kì và quốc ca. Những biểu tượng này đã được đông đảo công chúng khắp thế giới đón nhận: những vận động viên Olympics, người nổi tiếng, chính trị gia, bảo tàng và các cộng đồng người tị nạn. Tất cả đều được làm bởi chính người tị nạn, dành riêng cho những người tị nạn như một nguồn động lực cổ vũ họ tiếp tục đấu tranh vì tương lai của mình.
Giờ đây những người tị nạn tự hào với những biểu tượng của quốc gia riêng họ. Tại một cuộc thi đấu tầm cỡ và trang trọng như Olympics, lá cờ màu cam của Những người tị nạn đã giương lên cao lên cổ vũ tinh thần cho tất cả người con phải rời đất nước nơi chôn rau cắt rốn của họ. Tại các vùng tập kết của dân tị nạn, mọi người hào hứng chia sẻ lá cờ biểu tượng cho tình yêu và hi vọng. Nó không chỉ là một lá cờ bình thường, nó là nguồn khích lệ tinh thần vô giá cho những con người đang mệt mỏi trên hành trình tìm kiếm vùng đất mới.
Lá cờ của The Refugee Nation được thiết kế bởi Yara Seid – một cô gái tị nạn từ Syria. Lấy cảm hứng từ những chiếc áo phao cứu sinh mà dân tị nạn thường mặc trên thuyền khi di cư tìm cuộc sống mới, Yara đã cho ra đời lá quốc kì đầu tiên của “Quốc gia” này. Từ một điểm chung giữa tất cả người tị nạn là chiếc áo phao, cô gái mong muốn lá cờ sẽ thể hiện niềm tin về cuộc sống tươi sáng hơn cho cộng đồng của mình. Một biểu tượng, một màu sắc mà người ta chắc chắn sẽ nhớ đến khi nhắc đến cộng đồng tị nạn khắp thế giới – màu cam. Cô nói: “Đen và cam là biểu tượng của sự đoàn kết giữa những tâm hồn dũng cảm phải vượt biển để tìm kiếm sự an toàn tại một vùng đất mới. Lá cờ này trở thành một biểu tượng hoàn hảo tác động tới nhận thức của những người dân tị nạn, khích lệ họ đấu tranh vì bản thân mình và thách thức những định kiến chống lại người tị nạn.
Quốc ca của dân tộc này cũng được soạn bởi nhạc sĩ Moutaz Arian – một người tị nạn khác từ Syria. Bản nhạc không lời đã truyền tải thành công thông điệp về tình yêu, tình đoàn kết và hi vọng mãnh liệt về tương lai của những người tị nạn. Anh nói: “Tôi không chỉ muốn sáng tác bài hát này cho người dân ở Kurd (một dân tộc tại vùng Trung Đông) hay Ả Rập. Tôi muốn bài hát này có thể truyền tới tất cả mọi người trên thế giới.”
Chiến dịch này đã đạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải cao quý nhất là Best of Show trong chương trình One Show New York. Ngoài ra, The Refugee Nation còn đạt con số kỉ lục – hơn 2 tỉ lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nổi tiếng như CBS News, Buzz Feed, Mashable, Medium, The Huffington Post… “Quốc gia” này thậm chí còn được lên sóng trong giải Oscar 2017 vừa qua, có mặt tại các triển lãm và bảo tàng tại các quốc gia lớn. Quốc kì đã trở thành một biểu tượng của bảo tàng V&A (Anh) vì như đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử thế giới. Một ý tưởng xuất sắc không chỉ kết nối cộng đồng dân tị nạn với nhau mà còn gắn kết tất cả mọi người khắp thế giới.
“Họ tới từ những vùng đất khác nhau. Họ có văn hóa khác nhau. Họ nói ngôn ngữ khác nhau. Nhưng có một thứ đã kết nối những con người này với nhau: ý chí tìm thấy một nơi để được gọi là tổ quốc.” Những câu trên được dẫn từ website chính thức của The Refugee Nation – Quốc gia dành riêng cho những người tị nạn. Từ 10 người không quốc tịch, họ đã trở thành một cộng đồng gồm hàng triệu người dân thuộc cùng một dân tộc. Trong một năm đầy rẫy những xung đột chính trị và biến động xã hội trên khắp thế giới, The Refugee Nation được xem là một ví dụ điển hình cho thấy quảng cáo cũng có thể phản ánh và ảnh hưởng đến nền văn hoá của chúng ta như thế nào.
Nguồn: Adage, Adweek, D&AD, Creativity Online, More about Advertising.