Our Works with tags , , 17 May, 2012

Hội thảo trực tuyến Phương pháp giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả

Nằm trong chuỗi các hoạt động của campaign Exciting Summer 2012 do Time Universal tư vấn và triển khai cho Language Link Việt Nam, chiều nay 16/5/2012, hoạt động đầu tiên đã diễn ra là Hội thảo trực tuyến trên VnExpress với chủ đề “Phương pháp giúp trẻ từ 6-15 tuổi học tiếng Anh hiệu quả trong hè” với các diễn giả: Viện trưởng Viện nghiên cứu Sự phát triển sớm của trẻ em – tiến sĩ Nguyễn Minh Đức; ông Gavan Iacono, Tổng giám đốc điều hành Language Link VN và em Hoàng Hải Linh, học sinh lớp 9A THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam . Sau 2h tham gia Hội thảo trực tuyến, đã có gần 1.000 câu hỏi đã được đặt ra cho ba vị khách mời, Time Universal xin giới thiệu lại toàn bộ nội dung buổi hội thảo đã đăng trên VnExpress:

 

– Trẻ nên học tiếng Anh bắt đầu từ lúc mấy tuổi là tốt nhất? Chương trình tiếng Anh nào phù hợp cho trẻ mới bắt đầu học. Trường tiếng Anh nào tốt cho trẻ mới bắt đầu học. (Lương Thị Dương, 29 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono, Tổng giám đốc điều hành Language Link Việt Nam: Theo tôi, càng sớm càng tốt vì trẻ học nhanh hơn người lớn. Không có lý do để đến 5-6 tuổi mới cho các bé học tiếng Anh. Nhiều ý kiến cho rằng nếu cho trẻ học tiếng Anh sớm sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trên thế giới đều cho ý kiến ngược lại. Không những việc học tiếng Anh không ảnh hưởng tới tư duy học tiếng Việt mà được học tiếng Anh từ sớm còn giúp trẻ nói tiếng Việt logic hơn. Độ tuổi học ngoại ngữ tốt và nhanh nhất là dưới 10. Trì hoãn việc cho con học tiếng Anh sớm sẽ làm khả năng học ngoại ngữ sau này của con chậm hơn. Do đó, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con học tiếng Anh ngay từ độ tuổi mẫu giáo.

– Tôi rất băn khoăn chưa biết bắt đầu cho con gái 5 tuổi và 7 tuổi học tiếng Anh như thế nào, phương pháp dạy con học ở nhà khi bố mẹ chưa biết tiếng Anh? (Nguyễn Thu Hà, 32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Theo tôi, 5-7 là độ tuổi rất phù hợp để học tiếng Anh. Do bố mẹ không biết tiếng Anh nên bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho con tiếp xúc với tiếng Anh như nghe băng đĩa bằng tiếng Anh… Chị cũng nên gửi cháu tới học tại các trung tâm học ngoại ngữ có uy tín như Language Link. Đặc biệt, hè là một dịp rất phù hợp để trẻ theo học các khóa tiếng Anh xen kỹ với những hoạt động vui chơi, thể hiện năng khiếu. Chúng tôi tổ chức chương trình hè phối hợp với nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như học hát tiếng Anh, lớp kịch… phù hợp với các cháu nhỏ.

– Xin hỏi các vị khách mời, cháu bé 5 tuổi chưa biết viết chữ có cho đi học tiếng Anh được không ạ? (Lê Anh Phương, 40 tuổi, Đồng Xa – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh, học sinh lớp 9A THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam:

Khi 5 tuổi, mẹ đã cho cháu học tiếng Anh song song với tiếng Việt. Nhỏ hơn, cháu được làm quen tiếng Anh qua các hình vẽ. Ở độ tuổi này theo cháu trẻ em nên tiếp xúc nhiều với giáo viên người bản ngữ, điều này rất có lợi cho kỹ năng nghe nói sau này của bé.

– Con tôi học trường mầm non quốc tế từ nhỏ. Hiện tại cháu lên lớp 1 nên tôi cho về trường Việt học. Hiện tại cháu nghe nói tiếng Anh rất tốt. Tôi muốn hỏi nên cho cháu học thế nào để không bị mất vốn tiếng Anh hiện tại? (Nguyễn Thủy Chung, 31 tuổi, 305 Ngô Gia Tự – Long Biên – Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Quan trọng nhất trong học ngôn ngữ là cơ hội được thực hành thường xuyên và môi trường sẽ khuyến khích trẻ giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vì vậy, cách tốt nhất là chị nên gửi các cháu tới những trung tâm ngoại ngữ. Tại đây, cháu sẽ có cơ hội thường xuyên học và thực hành với thầy cô giáo bản ngữ và các bạn cùng lứa. Điều này giúp cho bé tăng cường khả năng phản xạ học tiếng Anh dù không còn học tại trường quốc tế. Theo tôi, tiếng Anh nên là một quá trình học tập thường xuyên và liên tục.

– Thưa ông Gavan Iacono, hiện có nhiều giáo trình tiếng Anh cho trẻ em. Vậy học theo giáo trình nào là tốt nhất để trẻ em có thể theo học lâu dài? (Phan Quân, 51 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Theo tôi, không có bộ sách nào là tốt nhất hay không tốt bởi bất kỳ bộ sách nào học sinh cũng có thể học được và giáo viên cũng có thể dạy. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao cần có sự kết hợp giữa việc lựa chọn bộ sách và phương pháp giảng dạy phù hợp với tâm sinh lý, trình độ và mục tiêu học của học sinh. Phụ huynh nên tránh việc thay đổi trung tâm ngoại ngữ hoặc mua nhiều bộ sách khác nhau cho con. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu kỹ (điểm mạnh, điểm yếu, giáo viên giảng dạy, chương trình dạy…) về các trung tâm trước khi cho con theo học. –

– Theo ông có nên theo các bước như thế này: ban đầu cho các cháu bé học ở các lớp do các thầy cô người VN giảng dạy. Khi các cháu đã vượt qua được các kiến thức sơ đẳng, nếu có điều kiện mới học ở các lớp có trình độ cao, do các thầy cô giỏi ở các trung tâm ngoại ngữ lớn, có đầu tư của các tổ chức giáo dục nước ngoài để chuẩn hóa khả năng phát âm, sử dụng từ ngữ? (Phương Nhi, 36 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Mỗi một gia đình lại có những hoàn cảnh khác nhau do đó cha mẹ nên chọn những quyết định phù hợp với điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bạn nên cho con em học tại một trung tâm chất lượng cao ngay từ đầu. Điều này đảm bảo được chương trình, giáo trình liên thông. Ngoài ra, giáo viên tại những trung tâm này cũng được đào tào bài bản, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được những yêu cầu chương trình chuẩn cho học sinh. Nếu học ở các trung tâm kém chất lượng, giáo viên không được đảm bảo có đầy đủ chuyên môn, giáo trình có theo chuẩn không…

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sự phát triển sớm của trẻ em : Theo tôi, quan niệm này có thể dẫn đến sai lầm là ngay từ đầu trẻ đã bị kích hoạt sai phương pháp, không chỉ là cách phát âm, cách sử dụng từ vựng, ngữ pháp mà còn là cách tư duy. Nếu gia đình không có điều kiện đến các trung tâm có người nước ngoài giảng dạy thì có thể mua băng đĩa, tài liệu học tiếng Anh về nhà để cho các cháu tiếp cận. Hoặc nếu bạn có điều kiện thì nên cho các cháu tiếp xúc với người bản xứ để học nghe, nói và luyện cho các cháu phản xạ tiếng Anh tốt, tư duy cách nói theo người bản địa. Các bậc phụ huynh cũng không nên có quan niệm là kiến thức sơ đẳng (kiến thức nền) có nghĩa là vốn từ vựng, ngữ pháp nhất định nào đó mà nên chú trọng vào kỹ năng thực hành, phát âm, giao tiếp tự tin và chuẩn ngay từ đầu bằng tiếng Anh.

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức có con gái trong độ tuổi học tiếng Anh không? Ông dạy con học tiếng Anh như thế nào, có thể chia sẻ cùng độc giả? (Ngọc Điệp, 27 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Con gái tôi còn rất nhỏ, mới gần 17 tháng tuổi. Khi vợ tôi mang bầu, tôi hay hát cho cháu nghe một số bài hát ngắn bằng tiếng Pháp. Khi cháu được 6 tháng tuổi, tôi đã kích hoạt tiếng Anh cho con bằng cách lồng một vài từ tiếng Anh vào bài giới thiệu một số hoạt động hàng ngày cho con, cùng cháu đi tìm những từ tiếng Anh có sẵn trên các đồ vật như chăn ga, gối, đệm, trên áo quần, hoặc trên bưu ảnh do người thân tặng cháu…

Tôi rất bất ngờ là lúc 11 tháng tuổi, khi cháu bắt đầu nói tiếng Việt thành câu đầy đủ, cháu cũng nhớ chính xác và phát âm đúng một số từ tiếng Anh và tiếng Pháp đã được kích hoạt. Có những từ người lớn có thể nhầm lẫn nhưng cháu không bị nhầm khi phát âm. Ví dụ, từ Ma chérie (con yêu quý của Ba) và Ma Cerise (quả Anh đào của Ba), cháu phân biệt được rõ ràng khi phát âm. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ tôi thích dùng từ kích hoạt tiếng Anh hơn là học tiếng Anh. Chúng ta biết rằng có nhiều người lớn sau này rất khó học ngoại ngữ vì loại thông minh này đã không được kích hoạt và phát triển khi còn ở tuổi đi học.

– Làm thế nào để trẻ em học giỏi môn nghe tiếng Anh (Ngoc, 10 tuổi, ĐN)

– Hoàng Hải Linh: Theo Linh cách luyện nghe tốt nhất là xem phim và nghe nhạc nhiều bằng tiếng Anh. Trong quá trình xem và nghe thì bạn nên chú ý các cấu trúc câu được lặp lại nhiều lần vì đây sẽ là cấu trúc hay gặp trong tiếng Anh giao tiếp thông thường. Nếu có điều kiện bạn nên giao tiếp nhiều với người nước ngoài. Lúc đầu có thể bạn chỉ hiểu 30-40 % nhưng bạn đừng ngại hỏi lại. Dần theo thời gian kỹ năng nghe sẽ được cải thiện hơn.

– Tôi được biết ở Language Link các cháu được học 100% giáo viên nước ngoài, vậy các cháu có hiểu được không? (Lan Anh, 33 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Với chương trình Pre-starters dành cho các bé chưa đi học, Language Link có sử dụng trợ giảng người Việt với vai trò hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức giờ học, việc giảng dạy chính vẫn là do giáo viên nước ngoài đảm nhiệm. Từ chương trình dành cho lứa tuổi tiểu học trở lên, học viên được tiếp xúc với 100% giáo viên nước ngoài. Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm không lo con mình học với người nước ngoài thì không hiểu.

Phương pháp giảng dạy của giáo viên nước ngoài là luôn khuyến khích các em phát huy tính chủ động trong học tập. Khi có vấn đề không hiểu rõ các em buộc sử dụng vốn tiếng Anh của mình để hỏi thầy, cô. Qua đó, các em sẽ hình thành thói quen dùng tiếng Anh, tự tin hơn khi dùng tiếng Anh, và hình thành phương pháp học tập chủ động – điều mà học sinh Việt Nam còn thiếu. Việc không sử dụng giáo viên người Việt trong các giờ học tại Language Link cũng nhằm tạo môi trường tiếng phong phú cho các em. Khi đã có được sự tự tin, và thói quen học tập chủ động, các em hoàn toàn có thể chủ động tiếp cận và trao đổi với các giáo viên nước ngoài tại trung tâm, hoặc với giáo viên là người Việt đang dạy các em ở trường phổ thông về nhưng vấn đề liên quan đến tiếng Anh.

– Học Language Link thường sẽ chơi rất nhiều chứ không học? (Thanh Nga, 32 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Điều quan trọng của một giờ học tiếng Anh là học viên hiểu và thực hành được một phạm vi ngôn ngữ nào đó chẳng hạn một mẫu câu tiếng Anh. Có nhiều phương pháp giảng dạy để giúp học viên làm được điều này. Nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia về giảng dạy ngôn ngữ trên thế giới thì cách tốt nhất và dễ dàng nhất cho người học là đưa người học vào đúng tình huống vận dụng mẫu câu đó. Người học sẽ dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hình dung và dễ thực hành đặc biệt đối với học viên ở lứa tuổi nhỏ. Giáo viên nước ngoài tại Language Link dạy theo phương pháp này. Hình thức học vui qua các trò chơi ngôn ngữ – học mà chơi – chơi mà học này đối với lứa tuổi các em là hình thức rất dễ tiếp cận, cuốn hút, và gây hứng thú cho các em. Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ này tùy thuộc vào tính chất, nội dung bài học mà giáo viên khéo léo đưa vào để học viên thưc hành, với mục đích để các em hình thành phản xạ và rèn luyện kỹ năng, chứ không phải với mục đích giải trí.

– Cách dạy ban đầu nên học nhiều từ vựng hay thuộc lòng các câu theo bài khóa là quan trọng hơn? (Lưu Quốc Khánh, 48 tuổi, 16 Lê Thánh Tông, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Điều này còn tùy thuộc vào mục đích học ngoại ngữ của mỗi người. Tuy nhiên, tôi thấy xu hướng hiện nay đối với lớp trẻ, học ngoại ngữ là để giao tiếp trôi chảy. Nếu theo xu hướng này, bạn không nên học theo cách học nhiều từ vựng, thuộc lòng các mẫu câu trong bài khóa vì cách học này làm cho người học bị động trước những tình huống giao tiếp thực tế. Bạn nên đọc nhiều tài liệu, sách vở, nghe băng đĩa tiếng nước ngoài và giao tiếp nhiều với người bản xứ. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, cách học này dễ làm cho các bé cảm thấy nhàm chán.

– Em học tiếng Anh rất mau chán, chị Linh có thể chia sẻ cho em cách thức nào để hứng thú với môn học ngoại ngữ? (Quang Minh, 10 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Để tạo hứng thú theo mình bạn nên bắt đầu theo học tiếng Anh tại các trung tâm. Lớp học của các trung tâm thường ít học viên, giáo viên có thể quan tâm đến từng cá nhân. Giáo viên bản ngữ thường khuấy động không khí buổi học bằng các trò chơi tiếng Anh. Học viên có thể tham gia các buổi dã ngoại, các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc tham gia một khóa trại hè tiếng Anh tại nước ngoài.

– Hi Linh! Chúc Linh một ngày giao lưu thú vị. Mình có một câu hỏi dành cho Linh nhé: Nếu Linh không theo học ở Language Link, Linh có đạt được những thành tích như hiện nay không? Và nếu để đúc kết về phương pháp học tiếng Anh cho trẻ tại Việt Nam Linh có thể cô đọng vào một từ tiếng Anh nào? (Diepphungminh, 33 tuổi, Cầu Giấy – HN)

– Hoàng Hải Linh: Language Link đã giúp mình tự tin hơn khi bày tỏ ý kiến của mình bằng tiếng Anh trước lớp. Nhờ đó khi đứng trước mặt người phỏng vấn trong phòng thi thì Linh không cảm thấy căng thẳng. Và điều này góp phần không nhỏ cho giải thưởng của Linh. Passion – Niềm đam mê là từ mà Linh muốn nói với các em.

– Có một ý kiến cho rằng để có thể nghe tốt cần phải nói tốt, ông có đồng ý với nhận định này không? (Phuong Phan, 45 tuổi, Sài Gòn)

– Ông Gavan Iacono: Điều này không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có mối liên hệ mật thiết giữa hai kỹ năng nghe và nói. Hai kỹ năng này bổ trợ cho nhau. Trên lý thuyết, nếu bạn học giỏi kỹ năng này sẽ học giỏi kỹ năng còn lại. Theo tôi, học ngôn ngữ không nên chỉ chú trọng vào một kỹ năng mà nên phát triển đồng đều các kỹ năng.

– Nhiều người khuyên tôi hè thì nên để các cháu thư giãn, vui chơi, không nên ép học. Tiến sĩ có thể giúp tôi định hướng các hoạt động hè dành cho con? (Thu Ngân, 34 tuổi, TP HCM)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Không nên ép học là đúng nhưng cần vui chơi thư giãn thì phải xem lại cách vui chơi thư giãn có dẫn đến hậu quả xấu cho sự phát triển cảm xúc, trí tuệ hay không. Hiện nay có một xu hướng có nhiều bạn nhỏ tạn dụng thời gian hè để vui chơi tự do, ngồi trước màn hình chơi game, lướt web nhiều mà ít tương tác với bạn bè, ít thu nhập thêm nguyên liệu cho não bộ tư duy sáng tạo. Xu hướng này có thể gây căng thẳng, kích động thần kinh thái quá. Và sau mấy tháng hè nhiều em không chỉ bị giảm sút khả năng trí tuệ mà mất luôn cả hứng thú, thói quen học tập. Đó là cái giá phải trả lớn nhất của việc vui chơi tự do. Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu những cách học mà chơi để giúp cho các em thư giãn thoải mái mà vẫn giữ được hứng thú, đam mê, nề nếp học tập để tiếp tục học lên sau kỳ nghỉ hè.

– Thưa ông, việc tham gia các mô hình CLB có ưu điểm gì so với mô hình lớp học và học thông qua các trò chơi? (Phương Nga, 34 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Hai mô hình sẽ bổ sung cho nhau. CLB là hình thức khai thác các nhóm theo sở thích mà ở trên mô hình lớp học thì không có được. Số lượng thành viên trong từng nhóm sở thích thường là ít hơn rất nhiều so với sĩ số lớp học thông thường, đảm bảo cho các mối tương tác tốt hơn. Mô hình CLB sẽ giúp giải tỏa các căng thẳng/gò ép mà các em chưa bộc lộ hoặc chia sẻ được ở các môi trường học tập nhiều áp lực khác. CLB giúp các em có tư duy phản biện và phát triển được những năng khiếu, kỹ năng mới mẻ trong bản thân các em. CLB có giá trị phát triển các loại thông minh đa dạng cho học sinh như gợi ý của Howard Gardner – chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu trí thông minh đa dạng ở Harvard: thông minh ngôn ngữ, thông minh tương tác, thông minh toán học, thông minh âm nhạc, hội hoạ, thông minh vận động, thông minh nội tâm cho trẻ, thông minh gắn với các vấn đề thiên nhiên và triết lý nhân sinh của con người.

– Em học tiếng Anh cũng không tệ. Mỗi tội em hay quên từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Vậy phải làm sao để nhớ được các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp ạ? (Nguyễn Thị Khánh Ngọc, 13 tuổi, Quảng Bình)

– Ông Gavan Iacono: Trong trường hợp của em, theo tôi là do em không thực hành tiếng Anh thường xuyên, dẫn tới việc quên từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Để khắc phục, cách duy nhất là em nên tăng cường thực hành tiếng Anh bằng nhiều cách như nói chuyện với người nước ngoài, đọc báo, xem phim phụ đề, nghe nhạc… Trong tiếng Anh có câu “Use it or lose it” (sử dụng nó hoặc mất nó) để nói về sự quan trọng của việc thực hành thường xuyên tiếng Anh.

– Mình có đứa em năm nay chuẩn bị lên lớp 8. Nhưng sao môn tiếng Anh đối với em mình thật khó khăn. Liệu mình kết hợp với chơi trò chơi có giúp em mình cải thiện khả năng học được không. Nếu có thì trò chơi nào? (Phạm Thị Minh Thu, 19 tuổi, TPHCM)

– Hoàng Hải Linh: Cách nhanh nhất để cải thiện ngữ pháp tiếng Anh là làm thật nhiều bài tập. Khi gặp cấu trúc mới bạn nên giúp em mình ghi lại vào sổ. Trong các cấu trúc ngữ pháp thì có những thành phần rất dễ nhầm như giới từ, mạo từ… bạn nên dùng bút khác màu gạch chân để em bạn có thể lưu ý cho lần sau. Theo em việc học ở nhà cần phải nghiêm túc.

– Con tôi học trường mầm non quốc tế từ nhỏ. Hiện tại cháu lên lớp 1 nên tôi cho về trường của Việt Nam học. Hiện tại cháu nghe nói tiếng Anh rất tốt. Tôi muốn hỏi nên cho cháu học thế nào để không bị mất vốn tiếng Anh hiện tại của cháu. (Nguyễn Thủy Chung, 31 tuổi, 305 Ngô Gia Tự – Long Biên – Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Tôi nghĩ là bạn nên chọn cho con một trường tiểu học quốc tế. Nếu là trường Việt Nam thì cần chọn trường chú trọng đến tiếng Anh và có phương pháp dạy tốt. Để tránh lãng phí vốn từ tiếng Anh cháu đã tích lũy được, bạn nên cho con tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh ngoại khóa có người bản xứ dạy theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Ở đấy có những hoạt động nhóm phù hợp với hứng thú, sở thích, trải nghiệm của các bé cũng như có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh và giữa các học sinh với nhau. Sự tương tác này sẽ khác với sự tương tác của các cháu ở trường tiểu học.

– Làm thế nào để thúc đẩy khả năng học ngoại ngữ tại nhà cho trẻ đối với trẻ trong nhóm tuổi từ 7-12 tuổi? (Minh Anh, 31 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Trẻ sau 6 tuổi thì bước sang môi trường học tập khác với trước đó. Từ môi trường học mà chơi, chơi mà học sang mô hình học theo thời khóa biểu nghiêm túc, sẽ có nhiều căng thẳng hơn trước sau những giờ học chính khoá. Hơn nữa, học sinh tiểu học bắt đầu thích xã hội hoá, vượt ra khỏi không gian gia đình để thoả mãn nhu cầu khám phá, để quên đi những khó khăn trong gắn bó với người thân ở độ tuổi trước.

Do vậy, để kích thích khả năng học ngoại ngữ ở nhả cho con em, các bậc phụ huynh cần chú ý giúp con em giải toả hai loại nhu cầu trên bằng cách giúp các em tận dụng thế mạnh của các Trung tâm hoặc câu lạc bộ tiếng Anh có phương pháp gần với cách học mà chơi, chơi mà học mà giúp con em biết cách khám phá thế giới xung quanh. Trên cở sở đó, các em sẽ tìm ra một cách tương tác với phụ huynh ở nhà như các em làm cô giáo, thầy giáo, tổ chức lại các trò chơi học tập đã học được… Cách này hiệu quả hơn là mời gia sư về nhà dạy.

Mặt khác, có một đặc điểm tâm lý rất quan trọng của tuổi học sinh tiểu học là các em thường tin vào thầy cô hơn là tin vào bố mẹ. Khi về nhà, nếu bố mẹ phát hiện con làm sai một bài tập nào đó, các em thường phản bác bằng câu: Cô giáo con bảo thế. Do vậy, nếu phương pháp và kiến thức ở nhà trường chính quy có hạn chế thì các em sẽ phải chịu những hậu quả lâu dài về những khiếm khuyết trong sự phát triển tư duy, nhất là tư duy phản biện. Thường là các em duy trì những niềm tin ngây thơ có nhiều cảm xúc như vậy rất lâu dài. Tốt nhất là giúp con biết thêm những cách tiếp cận khác ngoài nhà trường để trong các trò chơi tương tác với con ở nhà, con sẽ có thêm vốn liếng để phản biện lại những ý kiến sai của bố mẹ theo hướng đúng.

– Vậy còn ở độ tuổi từ 12 đến 15 thì sao thưa tiến sĩ? (Minh Anh, 31 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Đối với độ tuổi từ sau 12, 13 thì trẻ bước vào tuổi dậy thì, có nhiều bức xúc, xung đột nội tâm cần được giải toả, do vậy các em có nhu cầu giao tiếp, chia sẻ với các bạn cùng trang lứa hơn là thầy cô và bố mẹ.

Về nhận thức, trẻ vươn tới vị trí của những người có cá tính độc lập, không còn “nhẹ dạ cả tin” như học sinh tiểu học. Các em muốn phản biện lại các thầy cô và bố mẹ, phản biện lại những cách làm đã quen thuộc, muốn mở ra những chân trời mới trong tư duy sáng tạo, trong việc lý giải các vấn đề của cuộc sống riêng tư.

Do vậy, các bậc cha mẹ cần giúp các em thoả mãn hai nhóm nhu cầu lớn nói trên bằng cách tạo điều kiện cho các em học một cách vui vẻ thoải mái theo học mà chơi cùng các bạn tương đồng về sở thích, ham muốn, có thêm thầy cô mới, các bạn mới, cách tiếp cận mới. Từ đó, khi về nhà, các em sẽ là chuyên gia của bố mẹ về những gì các em đã lĩnh hội được. Nhiều em đã thực sự trở thành những người gia sư tại nhà cho bố mẹ trong môn tiếng Anh. Hướng đi này làm cho các em tự tin và sáng hơn rất nhiều.

– Em đang học Let’s go 4 và muốn hỏi làm thế nào để nhớ từ mới, ngữ pháp nhanh. Em hay xem phim bằng phim bằng tiếng Anh nhưng nghe được rất ít từ, như vậy có tác dụng không? (Phí Đức Minh, 10 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Em hãy tìm một bạn cùng lớp, mỗi ngày cùng đề ra mục tiêu cho nhau như: học bao nhiêu từ mới, thuộc bao nhiêu cấu trúc. Khi có bạn cùng học bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán và giúp bạn học có động lực hơn. Xem phim bằng tiếng Anh mà không hiểu hết là chuyện bình thường. Lúc đầu bạn nên xem phim có phụ đề tiếng Anh.

– Làm thế nào để trẻ hứng thú với tiếng Anh? (Lê Thị Thơm, 26 tuổi, Thái Bình)

– Ông Gavan Iacono: Đặc điểm của trẻ là hiếu động, giàu năng lực, khó tập trung, khả năng ghi nhớ còn thụ động, chưa có định hướng. Cách tốt nhất để trẻ hứng thú với tiếng Anh là các chương trình học không bị gò bó. Học mà chơi sẽ có tác dụng hơn là việc chỉ tập trung vào lý thuyết. Bên cạnh đó, các chương trình sử dụng âm nhạc, trò chơi cũng giúp trẻ bớt nhàm chán. Chúng tôi kết hợp các chương trình học với việc giới thiệu cho trẻ những câu chuyện ngắn, các bài hát, phim hoạt hình, trò chơi ngôn ngữ… Điều này khuyến khích trẻ thích học và tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh.

– Bản thân em cũng khá tiếng Anh, nhưng khi đi nước ngoài thì nói người bản xứ không hiểu nhiều. Cái khó khăn nhất của giáo dục Việt Nam, khi giáo viên dạy tiếng Anh chỉ chú trọng ngữ pháp, còn phát âm không đúng. Nếu học như vậy liệu các em ở trường có học tốt không ạ? (Nguyễn Thị Xuân Hương, 30 tuổi, Vĩnh Long)

– Hoàng Hải Linh: Muốn nói tiếng Anh tốt, đầu tiên bạn phải nắm vững ngữ pháp. Bởi vậy việc học ngữ pháp là không thể xem nhẹ. Việc nói tiếng Anh lần đầu ở nước ngoài mà người bản xứ không hiểu là việc hết sức bình thường. Sau thời gian sống giữa công đồng những người nói tiếng Anh thì tự nhiên cách phát âm và ngữ điệu của bạn sẽ chuẩn hơn.

– Xin chào. Tôi muốn hỏi là làm thế nào khi nghe tiếng Anh tôi không thể nghe hiểu được mặc dù toàn là những từ tôi đã biết (Nguyễn Thế Nam, 23 tuổi, Nam Định)

– Hoàng Hải Linh: Theo em, anh nên giao tiếp nhiều hơn bằng tiếng Anh, nhất là với người nước ngoài. Điều này giúp anh tự tin hơn và có phản xạ tốt hơn. Người Việt mình thường phát âm tiếng Anh không chuẩn nên khi nghe những từ được phát âm chuẩn, dù là từ mình đã biết nhưng vẫn không nhận ra. Giải pháp để khắc phục việc này là anh nên nghe băng đĩa thật nhiều để làm quen cách phát âm của người bản ngữ.

– Con trai tôi đang học lớp 1. Tôi rất muốn khuyến khích cháu đi học tiếng Anh và cũng đã cho cháu tham gia 1-2 khóa học cho thiếu nhi nhưng cháu hoàn toàn không hứng thú. Tôi nghĩ chắc cháu chưa thích và tạm cho cháu nghỉ. Tôi định hết lớp 1 bắt đầu học tiếng Anh vì lúc này cháu đã biết đọc viết thông thạo nhưng cháu nhất định không muốn đi học. Tôi không muốn tạo sức ép cho cháu. Vậy làm thế nào để khuyến khích được cháu tham gia học tiếng Anh? (Thuy, 34 tuổi, 1 dãy A Cảng Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Bạn nên tìm hiểu vì sao cháu không hứng thú với các khóa học mà cháu đã tham gia để khắc phục những điểm còn hạn chế về phương pháp học tiếng Anh của cháu trước đây. Nếu vì lớp học không phù hợp thì bạn nên cho cháu thử tham gia một vài chương trình học tiếng Anh ngoại khóa khác đặc biệt là theo phương pháp học mà chơi để cháu lựa chọn. Ở đấy có thầy cô mới, phương pháp mới, chủ đề mới, các bạn học mới sẽ tạo hứng thú cho cháu. Còn nếu vì nguyên nhân tâm lý mà cháu không thích học tiếng Anh thì bạn nên cho cháu học tiếng Anh trên nền trị liệu tâm lý ví dụ như cho cháu chọn các bạn cùng học, chọn chủ đề, trò chơi hay vở kịch mà cháu yêu thích để thực hành tiếng Anh. Không nên ép cháu học tiếng Anh theo hướng học thuộc lòng từ mới, ngữ pháp một cách cứng nhắc.

– Em phải học thế nào để nhớ nhiều từ vựng wordform của chúng và để cải thiện kỹ năng nghe của mình? (Quỳnh Như, 14 tuổi, TP HCM)

– Hoàng Hải Linh: Cách duy nhất để nhớ nhiều từ vựng là mình sử dụng những tấm thẻ trắng hai mặt. Một mặt viết từ và cách phát âm, mặt còn lại viết nghĩa và cách dùng. Bạn có thể xáo trộn thứ tự các tấm thẻ và xem lại vào lúc rảnh rỗi. Bạn có thể nghe nhạc bằng tiếng Anh và giao tiếp nhiều với người bản xứ để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh.

– Trẻ cần phải nghe người Anh, Mỹ nói thì mới có thể bắt chước đúng giọng. Hiện nay một số giáo viên Việt Nam nói chưa chuẩn, đôi khi phát âm sai. Làm thế nào để trẻ nhỏ không phải hấp thu những cái sai cơ bản này ngay từ bé? (Phan Thái Hòa, 61 tuổi)

– Ông Gavan Iacono: Cách tốt nhất là trẻ được học với giáo viên bản ngữ hay giáo viên Việt Nam có khả năng phát âm chuẩn. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách đưa con tới học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ có đội ngũ giáo viên bản ngữ trình độ cao. Trong trường hợp này, cháu vẫn phải học ở trường thì cách tốt nhất là tăng cường thời lượng học với giáo viên bản ngữ ngoài thời gian học tại trường. Đồng thời, bạn nên cho cháu nhiều cơ hội tiếp xúc tiếng Anh bằng các cách: nghe nhạc, xem phim, đọc báo tiếng Anh…

– Tôi muốn hỏi làm thế nào để nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh? (Quách Thị Hiền, 39 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Chị nên làm nhiều bài tập, làm các dạng bài tập sẽ giúp chị làm quen với nhiều cấu trúc ngữ pháp hơn. Chị nên ghi lại những cấu trúc ngữ pháp đã học vào một quyển sổ và đánh dấu vào những phần dễ nhầm. Ngoài ra, chị có thể tham khảo một số mẫu đề thi.

– Thưa Tiến sĩ, trẻ em nên bắt đầu học tiếng Anh từ khi nào? Nên cho trẻ học ở đâu? Gia đình cần hỗ trợ bé những gì? Phương pháp học như thế nào để cho trẻ học một cách hiệu quả và thoải mái nhất? (Phạm Lan Phuong, 45 tuổi, Mỹ Đình – Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Bạn nên kích hoạt sớm tiềm năng thông minh của trẻ trước 6 tuổi. Có người gọi là dạy tiếng Anh cho trẻ trước 6 tuổi nhưng tôi không muốn dùng từ “dạy” vì dễ gây hiểu nhầm là tạo áp lực cho trẻ là phải học như hệ thống chính khóa. Còn sau 6 tuổi, trẻ có thể tham gia các chương trình tiếng Anh ở trường tiểu học và bổ sung bằng các lớp học ngoại khóa ở các trung tâm tiếng Anh có người bản xứ giảng dạy.

Khi trẻ dưới 6 tuổi, ngoài việc cho con tham gia các chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em, các bậc phụ huynh còn có thể giúp trẻ kích hoạt tiếng Anh với một liều lượng hợp lý qua các bài hát, bài thơ, trò chơi bằng tiếng Anh gắn với các sinh hoạt hàng ngày. Khi trẻ đến độ tuổi học mẫu giáo và tiểu học, bố mẹ có thể tổ chức các trò chơi tương tác bằng tiếng Anh giúp trẻ củng cố những kỹ năng giao tiếp đã học ở trường lớp, trong đó, trẻ đóng vai trò chủ động (tự chọn vai cô giáo, bác sĩ, người bán hàng…) và bố mẹ sẽ nhập vai theo ý trẻ.

– Con trai tôi năm nay học lớp 4. Cháu học tiếng Anh rất ngại nói và nhút nhát. Gia đình cũng cho cháu đi học ở trung tâm ngoại ng­­ữ được 2 năm nhưng cũng không thấy hiệu quả. Gần đây tôi cho cháu ngừng học ở đó định tìm gia sư về nhà day. Làm thế nào để cháu học nói tự tin và có nên cho cháu trở lại trung tâm học hay tìm thầy về nhà dạy. (Lê Hào, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Như đã chia sẻ ở trên, ở độ tuổi của cháu còn hiếu động, khó tập trung và còn thụ động trong cách học. Vì vậy, để cháu có thể tự tin trong giao tiếp tiếng Anh (nghe và nói), bạn nên cho con theo học ở các trung tâm ngoại ngữ có chất lượng cao, những nơi có chương trình, giáo viên phù hợp với việc dạy tiếng Anh cho học viên ở độ tuổi của cháu. Việc thuê gia sư, theo tôi có nhiều hạn chế như bạn không kiểm tra được trình độ của gia sư, không chắc gia sư có khả năng chọn được sách học hay phát triển các giáo án phù hợp cho con bạn. Ngoài ra, không có cơ quan, tổ chức nào quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy của gia sư. Việc học một thầy một trò ở độ tuổi này không thích hợp vì cháu cần không gian giao tiếp, tương tác cùng thầy giáo và bạn bè.

– Linh cho mình hỏi, làm thế nào để giúp trẻ có hứng thú học và viết đúng từ mới. Con trai mình học lớp 4, chỉ thích nghe nói tiếng Anh chứ ít khi thấy bạn ý kiên nhẫn ngồi học từ mới nên điểm viết của bạn ý chưa cao (Hải Yến, 36 tuổi, Hà Nội).

– Hoàng Hải Linh: Cô nên chơi các trò chơi liên quan đến từ vựng tiếng Anh với em. Muốn em kiên nhẫn, cô nên tạo niềm say mê cho em đối với môn tiếng Anh. Cô hãy nói với em tiếng Anh sẽ đưa em tới những chân trời mới.

– Chào ông Iacono, rất vui được nói chuyện với ông. Cháu có một câu hỏi như sau: cháu khá thích tiếng Anh, ngữ pháp có thể nói là ổn nhưng về kỹ năng nói, cháu cảm thấy không được tự tin cho lắm khi giao tiếp với người nước ngoài. Vậy theo ông, cháu nên làm gì để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình ạ? (Nguyễn Vũ Long, THPT Chu Văn An, Hà Nội).

– Ông Gavan Iacono: Chào cháu, rất vui khi được trả lời câu hỏi của cháu. Theo chú, không còn cách nào khác là cháu phải thực hành nhiều hơn nữa, cố gắng thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc có thể, không nên chỉ giới hạn ở trong phạm vi lớp học của mình. Cháu cũng nên thay đổi phương pháp học một chút, không nên quá chú trọng vào việc học thuộc các cấu trúc ngữ pháp vì điều này không giúp cháu giao tiếp tốt hơn. Cháu nên học ngữ pháp thông qua giao tiếp, giúp khả năng phản xạ của cháu tốt hơn.

– Bé nhà em 3 tuổi, bé rất năng động ít chịu ngồi yên. Nhà có mua đĩa tiếng Anh (bài hát) bé nghêu ngao hát theo. Nhờ chương trình tư vấn giúp ở độ tuổi bé có nên cho bé học tiếng Anh không? Và học sao có hiệu quả? Cám ơn. (Trang, 27 tuổi, Cần Thơ)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Khi bạn cho bé nghe bài hát tiếng Anh và bé nghêu ngao hát theo có nghĩa là tiềm năng ngoại ngữ của trẻ đã được kích hoạt. Đây là cách học phù hợp và hiệu quả với độ tuổi của bé hiện tại. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những phương pháp tiếp tục kích hoạt tiếng Anh cho bé sao cho khắc phục được biểu hiện của bé là “ít chịu ngồi yên” như các cách học có tính tương tác, giải tỏa được những bức xúc cho bé. Hiện nay có một số trung tâm, câu lạc bộ tiếng Anh có thể đáp ứng được những yêu cầu này.

– Em học Ngoại ngữ đã lâu chưa? Ngoài học tiếng Anh tại lớp học em có học thêm tiếng Anh ở đâu không? Hải Linh cho lời khuyên là có nên đến các trung tâm để học thêm tiếng Anh không? (Lan Anh, 34 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Em đã học tiếng Anh từ khá lâu rồi, từ hồi 5 tuổi. Ngoài tiếng Anh tại các lớp học, em còn học thêm tiếng Anh ở nhà cô giáo, và còn ở trung tâm Language Link nữa. Theo em, việc đi học ở các trung tâm là khá cần thiết. Các trung tâm giúp học sinh có cơ hội được tiếp xúc với các giáo viên bản địa, được luyện kĩ năng nghe và nói mà ở lớp chính khóa không được luyện tập nhiều.

– Linh có thể chia sẻ kỹ hơn kinh nghiệm học giỏi ngoại ngữ? (Ngọc Mai, 25 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Với kỹ năng nghe và nói, em nghĩ các bạn nên xem thật nhiều phim ảnh và các kênh truyền hình tiếng Anh. Các bạn không cần thiết phải xem những bộ phim có nội dung quá phức tạp, chỉ cần là những bộ phim vui nhộn hay những bộ phim hoạt hình nhẹ nhàng. Những ngôn ngữ được dùng trong phim và trên các kênh truyền hình thường là tiếng Anh giao tiếp hàng ngày, vì vậy sau khi xem nhiều cách nói, cách diễn đạt của chúng ta sẽ lưu loát, tự nhiên, dễ hiểu hơn, không bị quá cứng nhắc như trong sách vở.

Để rèn luyện kỹ năng đọc và viết mà không bị nhàm chán, các bạn có thể vào các trang web, diễn đàn bằng tiếng Anh. Nếu bạn là người mê điện ảnh, âm nhạc, sách truyện thì hãy vào những trang bình luận, đánh giá những bộ phim, những album ca nhạc và các cuốn sách. Cần chú ý là chọn lựa các trong web có tên tuổi, uy tín vì ngôn ngữ được dùng trên những trang này đều đã qua kiểm duyệt. Khi đọc nếu có thấy những kiểu dùng từ của người bản địa mà mình không hiểu, các bạn có thể tra trên internet. Cá nhân em là một người yêu thích điện ảnh và âm nhạc, vì vậy em thường xuyên đọc những bài bình luận, từ đó luyện kĩ năng đọc và chau chuốt cho cách hành văn tiếng Anh của mình, và khi gặp từ không hiểu em sẽ hỏi anh trai của em hiện đang học bên Mỹ.

Một phần không thể thiếu nữa đó là ngữ pháp và từ vựng. Muốn nói tiếng Anh trôi chảy cần phải nắm chắc ngữ pháp và có một vốn từ vựng rộng. Về phần ngữ pháp các bạn hãy học chắc kiến thức được dạy ở trường. Để ghi nhớ tốt các cấu trúc ngữ pháp, các bạn viết các cấu trúc vào trong một quyển sổ. Trong một cấu trúc ngữ pháp, có những giới từ dễ bị nhầm, ví dụ cấu trúc “with a view to V-ing” nghĩa là “để làm gì”, nhiều bạn hay nhầm lẫn giới từ “with” và “to”. Các bạn nên dùng bút highlight các từ ấy lên cho nổi bật, như vậy khi học lại, các từ dễ nhầm ấy sẽ đập vào mắt đầu tiên và sẽ dễ nhớ hơn. Từ vựng thì cần được trau dồi hàng ngày. Các bạn hãy làm những tấm thẻ có kích thước bằng lòng bàn tay. Khi gặp các từ mới, các bạn ghi từ và cách phát âm vào một mặt, mặt còn lại ghi nghĩa và cách dùng của từ. Khi nào rảnh rỗi, bạn lấy những tấm thẻ ấy ra, xáo trộn thứ tự lên và học thuộc lòng.

Nói chung dù là kỹ năng nào, với cách học nào thì đều đòi hỏi phải có thái độ học tập nghiêm túc thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt. Theo em thì với những bạn ở lứa tuổi em, cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất là phải làm nhiều bài tập, rèn luyện các kĩ năng thường xuyên. Tiếng Anh sẽ không quá khó nếu bạn chăm chỉ và có một quyết tâm cao.

– Chào chị Linh, chị có thể chia sẻ bí quyết học giỏi ngoại ngữ cho chúng em với. Em cảm ơn! (Quang Hải, 12 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Ngoài những gì mình đã chia sẻ ở trên, để học giỏi ngoại ngữ cần thiết nhất là thái độ học tập. Khi học nghiêm túc thì chắc chắn kết quả sẽ tốt. Tiếng Anh không quá khó nếu bạn chăm chỉ và có quyết tâm cao.

– Theo ông, trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì kỹ năng nào phù hợp nhất đối với các cháu mới bắt đầu học tiếng Anh (trong độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi)? (Nguyễn Ninh Cơ, 38 tuổi, Nam Định)

– Ông Gavan Iacono: Theo tôi, dù ở độ tuổi nào, học tiếng Anh cũng nên kết hợp tất cả các kỹ năng. Tuy nhiên, ở độ tuổi của cháu nhà bạn, quá trình học tiếng Anh hoàn toàn giống quá trình tiếng Việt. Trong thời gian đầu, cháu sẽ tập trung vào nghe và nói nhiều hơn. Do đó, các chương trình học cũng nên tập trung phát triển các kỹ năng này trong thời gian đầu. Tuy nhiên, bạn cũng không nên coi nhẹ hay bỏ qua toàn bộ việc giúp cháu phát triển hai kỹ năng còn lại. Tại Language Link, ở độ tuổi này, ngoài các hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe và nói. Chúng tôi cũng khuyến khích trẻ nhận biết mặt chữ, tập viết các câu đơn giản. Đây là nền tảng để trẻ phát triển đồng đều 4 kỹ năng sau này.

– Chị Linh có thể chia sẻ bí quyết đạt điểm cao trong cuộc thi English Olympic 2012 mà chị đạt giải nhất? (Hoàng Hà, 14 tuổi, Hà Nội)

– Hoàng Hải Linh: Thi tiếng Anh Olympic được giải cao, chị rất cảm ơn trung tâm Language Link. Qua các khóa học ở trung tâm, chị có nhiều cơ hội để thể hiện những ý kiến của mình bằng tiếng Anh, thuyết trình trước lớp học để nâng cao sự tự tin. Để đạt giải cao trong Olympic tiếng Anh nói riêng, và các kì thi khác nói chung, chị chỉ có một khuyên duy nhất là cần phải bình tĩnh và tự tin vào năng lực cũng như kiến thức của mình.

– Xin hỏi Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, nếu hoàn cảnh địa lý tôi không thuận lợi cho con tôi học ở các trung tâm, vậy để một bé 5 tuổi bắt đầu học tiếng Anh, thì phải dạy như thế nào, sách nào hỗ trợ cho cháu tốt nhất? (Nguyễn Thị Xuân Hương, 30 tuổi, Vĩnh Long)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Bạn có thể lựa chọn cho cháu một trường mầm non có giờ học giúp trẻ làm quen với tiếng Anh. Ngoài ra, ở nhà, bạn có thể cho cháu tham khảo các tài liệu tranh ảnh, sách vở, băng đĩa tiếng Anh phù hợp với lứa tuổi. Bố mẹ nên khơi dậy hứng thú học tiếng Anh của trẻ bằng cách cùng con tham gia các trò chơi tương tác như đọc truyện, hát bài hát, đóng kịch, giải các câu đố vui đơn giản…

– Tôi là sinh viên tỉnh lẻ, phát âm rất nặng nên ngại học ngoại ngữ, vậy xin tư vấn ở tuổi tôi, học tiếng Anh thế nào cho hiệu quả? (Quảng Hà, 18 tuổi, Hà Nội)

– Ông Gavan Iacono: Theo tôi, ngoại ngữ chỉ là một phương tiện giao tiếp. Nói hay được ngoại ngữ là điều rất tốt. Tuy nhiên, nói không hay cũng không phải điều quá nghiêm trọng. Vấn đề cốt lõi là bạn sử dụng được ngoại ngữ đó để giao tiếp. Ở Việt Nam, tôi biết các bạn có 63 tỉnh thành. Giọng nói ở các vùng miền này cũng khác nhau. Tương tự như vậy, thế giới có rất nhiều quốc gia. Những người ở quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ không phải ai cũng nói được tiếng Anh hay. Điều quan trọng là việc bạn không ngại ngần giao tiếp, có thể truyền tải nội dung cần nói đến người đối diện.

– Con tôi thông minh nhưng rất lười học. Lúc bắt đầu đi học tiếng Anh cháu học rất tốt, nhưng hơn 1 năm về đây cháu chểnh mảng, không chịu học. Tôi đã dùng nhiều phương pháp giúp cháu học như mua sách, đĩa phim, bài hát tiếng anh, kim từ điển cho cháu học và nhiều lúc còn học cùng cháu nhưng kết quả cháu vẫn học gần kém nhất lớp. Tôi rất buồn mà không biết làm thế nào cho con học tốt được. Xin tiến sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn nhiều! (Duong Thi Hai, 37 tuổi, Hai Phong)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Những bé thông minh thường có cá tính khá mạnh mẽ đặc biệt là sau bước ngoặt của tuổi lên 3. Do vậy, nếu không đổi mới phương pháp học thì các cháu thường phản ứng bằng cách chểnh mảng, lười học. Chị có thể áp dụng những đổi mới gắn với chủ đề học do con đề xuất và gắn với những sở thích, hứng thú, trải nghiệm của con. Chị có thể cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các mô hình câu lạc bộ tiếng Anh áp dụng các phương pháp học tiên tiến.

– Tiến sĩ có thể cho tôi biết có nên cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ khi còn trong bụng mẹ? (Tiến Nam, 38 tuổi, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Ngày nay, trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ trong bụng mẹ đã trở thành một xu thế tự nhiên và tất yếu, đặc biệt là đối với những người làm nghề ngoại giao, những người làm việc liên quan đến tiếng Anh hay yêu thích những chương trình giải trí bằng ngôn ngữ này. Nếu sự tiếp xúc đó được đưa vào một chương trình thai giáo ổn định trong tâm trạng người mẹ thoải mái và cảm nhận được những thông điệp hay về nhận thức và cảm xúc của tiếng Anh thì sẽ ảnh hưởng tích cực đến trẻ.

– Cảm ơn các chuyên gia đã dành thời gian tư vấn trực tuyến cho độc giả VnExpress. Xin các vị cho biết ngắn gọn đâu là cách học tiếng Anh cho trẻ tốt và hiệu quả nhất? (Hoài Thanh, 20 tuổi, Cốm Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội)

– Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức: Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi buổi giao lưu trực tuyến. Cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào, muốn thành công với môn tiếng Anh, cần có sự đam mê, kiên trì với phương pháp học trên nền hứng thú, sở thích, trải nghiệm và tư duy phản biện của từng cá nhân.

– Hoàng Hải Linh: Em thấy, cách học tiếng Anh hiệu quả nhất là phải làm thật nhiều bài tập và thường xuyên rèn luyện 4 kỹ năng gồm: nghe, nói, đọc, viết. Khi học cần có thái độ nghiêm túc thì mới đạt được kết quả tốt.

– Ông Gavan Iacono: Còn theo tôi, việc đầu tiên là cho trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt, vì như trên đã chia sẻ, ở độ tuổi dưới 10, khả năng học tiếng Anh của trẻ là tốt nhất. Đồng thời, phụ huynh cần tìm một trường tiếng Anh đảm bảo về chương trình, chất lượng giáo viên… Ngoài ra, phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc và thực hành tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Môi trường thoải mái, các câu lạc bộ tiếng Anh vui nhộn cũng là một yếu tố quan trọng để trẻ học tiếng Anh hiệu quả.

Archives