4 Timers, Industry Updates, Library with tags , 29 July, 2021

20 nguyên tắc cơ bản trong thiết kế đồ họa – P1

Các phần mềm, ứng dụng mới liên tục được ra mắt, các xu hướng mới được cập nhật hàng ngày khiến mọi người nghĩ rằng nguyên tắc và quy luật là khái niệm không tồn tại trong ngành thiết kế. Thực tế thì ngược lại, nguyên tắc chính là “xương sống” cho một sản phẩm thiết kế.

Áp dụng các nguyên tắc thiết kế là cách định hình ý tưởng sáng tạo ở bước sơ khai. Dưới đây là 10 nguyên tắc cơ bản thường xuyên được áp dụng trong thiết kế đồ họa và thiết kế ứng dụng. 

 01. Đường

Trong thiết kế, đường cũng sở hữu ngôn ngữ thiết kế riêng. Đường thẳng thể hiện trật tự và sự ngăn nắp, đường lượn sóng thể hiện chuyển động, và đường zigzag thể hiện áp lực hoặc sự phấn khích. Sự chuyển động và nối dài của đường sẽ điều hướng mắt nhìn. Do đó sử dụng và nhấn mạnh đường dẫn trong các thiết kế có thể khiến người xem điều hướng mắt qua toàn bộ tác phẩm hoặc một vài điểm trọng tâm.

Nhìn vào ví dụ của đường dẫn trong web design chẳng hạn. Trang web này có một hệ thống lưới chéo với đường dẫn “ẩn” kéo mắt nhìn từ trên xuống dưới, từ phần này sang phần kia, theo hình dạng chữ “Z”.

Bằng cách sử dụng đường trắng trong mỗi hình, thiết kế của nhãn hàng quần áo SNDCT đã tạo ra sự liên kết và phong cách riêng biệt.

02. Tỷ lệ

Theo định nghĩa cơ bản nhất, tỷ lệ là sự căn chỉnh kích thước có chủ đích của từng yếu tố đơn lẻ. Tỷ lệ là yếu tố quan trọng trong thiết kế, giúp tạo ra tính hợp lý trong bố cục hình ảnh và phần text. Tuy nhiên, tỷ lệ không phải lúc nào cũng dựa trên thực tế. Bạn có thể tùy chỉnh kích thước các yếu tố để tạo ra hiệu ứng ấn tượng và nhấn mạnh phần quan trọng trong tác phẩm.

Thử nhìn poster của Gabz Grzegorz Domaradzki cho phim Drive, thiết kế này đã ứng dụng các tỉ lệ lớn nhỏ khác nhau để thể hiện vai trò nhân vật.

Trong poster này, nhân vật chính được phóng to lên, kéo sự chú ý về anh ta trước, sau đó đến những gương mặt còn lại.

Trong poster này, tác giả không hoàn toàn tuân theo tỉ lệ mặt người trong thực tế, cách phóng lớn và thu nhỏ khuôn mặt này giúp người xem nắm bắt ngay được thứ bậc quan trọng của mỗi nhân vật trong phim, cũng như tạo ra hiệu ứng điều phối mắt nhìn.

Ấn phẩm của The Consult đã phóng to vài biểu đồ, thông tin và con số để kéo sự chú ý vào những thông tin quan trọng.

03. Màu sắc

Trong một thiết kế, màu sắc chính là linh hồn. Màu sắc tạo ra tâm trạng, không khí, cảm xúc nhất định và mỗi một sắc màu đều có ý nghĩa riêng. Hãy nhìn vào hai bộ nhận diện thương hiệu dưới đây, chúng ta có bộ nhận diện thương hiệu cho hãng nước ép Frooti do Sagmeister & Walsh thiết kế. 

Bộ nhận diện này đã sử dụng tông màu tương phản sắc nét, tạo ra một thiết kế sống động, nhiệt huyết và vui tươi.

04. Sự lặp lại

Khi nhắc đến những tên tuổi lớn: CocaCola, Google, Apple, Nike, chắc rằng bạn có thể nhớ ngay đến logo, tông chủ đạo và bảng màu chính của họ. Tại sao chúng lại dễ dàng gợi nhắc đến vậy? Câu trả lời là nhờ sự lặp lại. Sự lặp lại là yếu tố thiết yếu khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, giúp tạo ra sự thống nhất trong mặt hình ảnh và kết nối các sản phẩm với nhau.

Thiết kế bởi Michelle Wang sử dụng chung một bảng màu và một cách thức chèn logo, thậm chí cả cách thiết lập lề trang.

Sự lặp lại là yếu tố chủ chốt khi thiết kế bộ nhận diện, nhưng cũng có thể sử dụng cho những thiết kế đồ hoạ khác. Ví dụ, sự lặp lại là một phần quan trọng khi cần tạo ra các hoa văn và chất liệu mang tính đồng bộ. Thiết kế bao bì của Nastya Chamkina sử dụng sự lặp lại để tạo ra những hoa văn tuyệt vời. 

Hoa văn không cần phải chi chít hay đầy hoa như trên một tấm vải cũ, chúng vẫn có thể tạo cảm giác tươi vui và bắt mắt.

05. Không gian âm

Có thể định nghĩa không gian âm là ‘khoảng không bên trong’, khu vực ở giữa hoặc ở bên ngoài những yếu tố đã được định hình. Không gian âm khi được sử dụng có chủ đích và khéo léo sẽ tạo ra một thiết kế tuyệt vời và sắc sảo. Ông hoàng trong việc đặt nền móng của không gian âm chính là M.C.Escher. Escher tạo ra một lượng lớn tranh khảm tập trung vào dẫn dắt từ hình ảnh này sang hình ảnh kia thông qua không gian âm và dương, như bản khắc gỗ “Sky & Water I” này.

Escher đã sử dụng không gian bên trong những chú chim để tạo ra đàn cá.
Những icon thú vật đơn giản dưới đây của George Bokhua sử dụng hình thù đơn giản, gọn gàng để khắc họa rõ ràng từng con vật.

06. Đối xứng

Thị giác của chúng ta, theo như khoa học chứng minh, bị thu hút bởi sự đối xứng. Chúng ta thích khuôn mặt cân xứng, hoạ tiết đối xứng và thiết kế cân đối, thấy chúng thật đẹp đẽ và bắt mắt. Đối xứng được sử dụng nhiều trong thiết kế logo nhằm tạo ra nhịp điệu và sự hài hòa trong tổng thể. 

Một vài những ví dụ điển hình của các nhãn hàng nổi tiếng với logo đối xứng là Target, McDonald’s, Chanel, Starbucks, v.v…

Đối xứng không phải lúc nào cũng dễ thấy, đôi lúc chúng khá tinh tế, đôi lúc thậm chí bạn còn không nhận ra chúng. Một ví dụ hoàn hảo cho sự đối xứng vô hình có thể nhìn thấy trong thiết kế dàn trang, đặc biệt là việc sử dụng các khung văn bản. Hãy mở ra bất cứ tạp chí mà bạn có quanh nhà, bạn sẽ thấy rằng đoạn thân bài được chia nhỏ thành từng cột và những cột này thường đối xứng về kích thước để giữ mọi thứ dễ đọc, ngay ngắn, cũng như hấp dẫn thị giác.

Nhìn thử bản báo cáo trên của Brighten the Corners và Anish Kapoor, họ đã kéo sự chú ý vào những cột văn bản bằng cách đối xứng chúng sang trang bên cạnh.

07. Sự trong suốt

Sự trong suốt đôi khi còn được biết đến là “độ mờ đục”, thể hiện độ “xuyên thấu” của một vật thể. Độ trong suốt càng thấp, thì vật thể càng mỏng, mờ và khó thấy hơn, ngược lại nếu nó càng cao, thì vật thể càng rõ nét. Sự trong suốt còn là một kỹ thuật hay ho để tạo ra cảm giác chuyển động trong một hình ảnh tĩnh. 

Ví dụ, poster của nhóm tác giả Filippo Baraccani, Mikko Gärtner và Lorenz Potthast đã chồng lớp nhiều hình ảnh với mức độ trong suốt khác nhau để tạo ra hiệu ứng nở phình và cảm giác chuyển động.

08. Chất liệu

Chất liệu (Texture) có thể kích thích xúc giác, tạo chiều sâu và vài hiệu ứng thú vị cho thiết kế. Tuy nhiên cần lưu ý sử dụng kỹ thuật này có chừng mực, vì quá nhiều chất liệu có thể làm người xem choáng ngợp, tạo cảm giác “rối mắt”. Hãy nhìn xuống ví dụ sử dụng chất liệu để nâng cao giá trị của thiết kế. Thiết kế typography sắc sảo của Dan Cassaro tạo ra một hiệu ứng vintage bằng cách sử dụng chất liệu.

Việc sử dụng những chất liệu thô ráp không phải để đánh lạc hướng mà để nâng tầm thiết kế, tạo ra cảm giác thủ công, vintage hơn.
Tấm danh thiếp thiết kế bởi Inkdot cho Foremost Wine Company đã đem việc sử dụng chất liệu lên một tầm cao mới bằng cách in dập nổi những đường địa hình lên trên tấm danh thiếp. 

9. Cân bằng

Sự cân bằng khá quan trọng trong cuộc sống và điều này cũng đúng trong thiết kế. Một cách để tạo ra sự cân bằng là coi những yếu tố như thể chúng có “khối lượng” riêng tương đương với tầm quan trọng. Từ đoạn văn bản đến hình ảnh, hay những cột màu, hãy cân nhắc kích cỡ, hình dạng và “khối lượng” mà chúng chứa đựng bên trong và mối quan hệ giữa chúng với các yếu tố khác.

Một kiểu cân bằng khác là “sự cân bằng bất đối xứng”, không chú trọng về sự cân đối giữa trái phải hay trên dưới, mà chú tâm nhiều vào sự phân bố, kích cỡ và căn chỉnh các yếu tố để “khối lượng” của chúng cân bằng. Ví dụ như tác phẩm rực rỡ này sử dụng tỷ lệ và sự phân bổ thông minh giữa các yếu tố để tạo ra một thiết kế hài hoà.

Tác phẩm này đạt được sự cân bằng từ trái sang phải và từ trên xuống dưới thông qua kích thước của các yếu tố. Bằng cách cân đối cụm hình ảnh và cụm chữ viết.

10. Cấp bậc

Cấp bậc trong thiết kế cũng giống như cấp bậc trong xã hội, cả hai đều được hình thành từ nền tảng giống nhau. Cấp bậc cao nhất là những yếu tố quan trọng nhất, như thể chúng là “nhà vua”. Các yếu tố này sẽ được “chưng diện” cầu kỳ nhất và thu hút nhiều sự chú ý nhất.

Ví dụ từ A2 Magazine thể hiện ba cách đặt những tiêu đề/đầu đề quan trọng, từ tinh tế, đến to rõ và đậm nét giúp người tiêu dùng sẽ biết chính xác đâu là tiêu đề mà không cần suy nghĩ.

Một tầng lớp nữa của cấp bậc là “giới quý tộc” – các yếu tố khá quan trọng – nhưng không cần nhiều sự chú ý như “các nhà vua”. Đó là những thứ như tiêu đề phụ, lời dẫn thông tin bổ sung. Chúng sẽ cần dễ thấy và bắt mắt, nhưng không quá nổi bật so với tiêu đề. Và tầng lớp cuối cùng của cấp bậc là “nông dân”, thành phần khiêm tốn nhất trong thiết kế, tạo ra sự thu hút thị giác thấp nhất như thân bài, đường link,… 

Cấp bậc không chỉ giới hạn cho chữ viết, hình ảnh cũng có cấp bậc. Yếu tố càng lớn, càng màu sắc hoặc tập trung chi tiết thì hình ảnh của bạn sẽ có cấp bậc cao hơn những yếu tố nhỏ, màu bệt và ít chi tiết.

Trên đây là 10 nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong thiết kế đồ họa. Hãy theo dõi blog của Time Universal để tìm đọc phần hai những nguyên tắc bỏ túi để áp dụng trong thiết kế cũng như đánh giá một sản phẩm thiết kế đồ họa. 

Nguồn: Canva

Archives