Industry Updates 23 March, 2022

Triển vọng bừng sáng của ngành Ngân hàng năm 2022

Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của Covid – 19, ngành ngân hàng vẫn duy trì nhịp tăng trưởng tốt trong năm 2021 và được dự báo có nhiều triển vọng “bứt tốc” mạnh mẽ trong năm 2022. 

Lợi nhuận tăng vọt vượt rào cản dịch bệnh

Mặc dù dịch bệnh kéo dài gây ra nhiều thách thức cho ngành ngân hàng như phải hi sinh nguồn thu để hỗ trợ khách hàng, đối mặt với nợ xấu tiềm ẩn nhưng tổng thể ngành vẫn có những gam màu sáng trong năm qua. Báo cáo tài chính cuối năm của các ngân hàng cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng theo cấp số nhân so với cùng kỳ năm trước. Không ít ngân hàng dồn dập báo “tin vui” sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm.

Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 vẫn “tăng vọt” bất chấp dịch bệnh.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 đạt 10.796 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng thu nhập tích cực đến từ biên lãi ròng NIM mở rộng, tăng trưởng thu phí dịch vụ và đẩy mạnh thu hồi nợ ngoại bảng, cùng với việc giảm áp lực trích lập nợ xấu tồn đọng. 

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đạt mức lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 là 11.885 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập tăng trưởng tốt nhờ tín dụng và thu nhập từ hoạt động đầu tư.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.129 tỷ đồng, vượt 147,8% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2020 với sự ấn tượng của thu nhập lãi và phí dịch vụ. 

Đặc biệt là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 ghi nhận đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 60% nhờ tốc độ tăng trưởng tốt của các cấu phần thu nhập trong khi chi phí hoạt động tăng chậm hơn và chi phí dự phòng giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ đâu ngân hàng thu về “quả ngọt”?

Lợi nhuận ngân hàng năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ do nhận hỗ trợ rất lớn từ sự hồi phục và bứt tốc mạnh cuối năm sau giãn cách xã hội vào quý 3/2021. Theo báo cáo của Vietcombank Securities (VCBS), Tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% tính đến thời điểm cuối tháng 10/2021. Tín dụng cuối năm bứt phá trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng bởi thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chủ lực.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi cũng là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận ngân hàng “cất cánh”, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của giao dịch trực tuyến, hoạt động bán chéo bảo hiểm và đầu tư trái phiếu. Covid -19 khiến các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, hoạt động ngân hàng “không tiếp xúc” trở nên phổ biến hơn, do đó các ngân hàng có cơ hội kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn. Theo VCBS, nửa đầu năm 2021 quy mô giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng duy trì ở mức cao với 1.5 tỷ món và 71 triệu tỷ đồng. 

Chuyển đổi số tạo cơ hội cho ngành ngân hàng bứt phá

Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bán chéo bảo hiểm (Bancassurance) độc quyền và doanh thu bancassurance đã tích cực hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021. Đồng thời hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ ở nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận cao trong nhiều năm khi lãi suất trái phiếu của Việt Nam liên tục giảm.

Trong khi thu nhập tăng trưởng tốt thì nợ xấu của các ngân hàng không “xấu” như những lo ngại bị thổi phồng trước đó. Bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay hiện đang tăng giá mạnh và hoạt động thu hồi nợ xấu vì thế dễ dàng hơn so với giai đoạn trước. Nhiều ngân hàng với chất lượng tài sản tốt không ghi nhận tình trạng nợ xấu mới tăng vượt mức kiểm soát.

Tiếp đà lợi nhuận “sáng chói” trong năm 2022

Bắt đầu từ quý 4/2021, hoạt động cho vay mới của các ngân hàng đã bật tăng trở lại khi các quy định giãn cách được nới lỏng. Bước sang năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế được dự báo sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, “bức tranh” lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ còn “bừng sáng” hơn trong năm tới. 

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nói chung của Vietcombank Securities (VCBS) trong năm 2022, nhu cầu tín dụng duy trì tích cực và tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo ở mức 13 -15%. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành.

VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn, nhưng có sự phân hóa rõ nét với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân khi tiếp tục tiết giảm được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% trong năm có thể kể đến là Techcombank, ACB, MSB, TPBank, MB và BIDV.

Ngoài ra, điểm sáng về triển vọng ngành ngân hàng trong năm tới chính là các khoản thu nhập từ phí, đây là một trong những động lực tăng trưởng của ngành thời gian qua và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Cụ thể, thu nhập từ dịch vụ thanh toán dự báo được phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bancassurance sẽ tiếp tục sôi động. Sang năm 2022, VietinBank dự kiến hoàn tất hợp đồng với Manulife, trong khi Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDBank và LienVietPostBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới …

Bên cạnh đó, với tốc độ chuyển đổi số trong ngành đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, các ngân hàng có cơ hội kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn. Cùng với đó là việc nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng như tiếp cận các nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí vốn. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có được thu nhập vô cùng lạc quan trong năm 2022. 

Theo Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 của VCBS

Archives