Những chiến dịch Viral Marketing hay nhất năm 2010
Điều gì làm nên thành công của một chiến dịch “viral” (lan truyền)? Chất lượng nội dung? Tính hài hước? Hay tốc độ lan truyền? Cho dù là gì đi nữa thì chúng ta đều biết rằng, để được lan truyền (viral), một quảng cáo cần phải có khả năng tự sao chép, tự lây lan ở mức độ cao nhất. Dựa trên sự thành công của những chiến dịch trong năm 2010, chúng tôi có thể nói rằng, hiệu quả của nó khá xứng đáng với chi phí bỏ ra.
Chàng trai của Old Spice
Chiến dịch quảng cáo truyền hình của nhãn hàng Old Spice có tên “The Man Your Man Could Smell Like” (Để người đàn ông của bạn thơm tho như bạn muốn) là một hit của năm vừa qua. Quảng cáo này ban đầu được phát sóng trong chương trình Superbowl hồi tháng 2. Diễn viên chính của video này là Isaiah Mustafa, anh này diễn một đoạn độc thoại trong khi đang cởi trần, nói về việc một người đàn ông có thể làm bất kỳ điều gì nếu anh ta sử dụng sản phẩm Gel tắm và nước hoa của hãng Old Spice.
Trên Youtube, video này đã đạt tới 13 triệu lượt xem. Chiến dịch này đã đạt tới đỉnh cao khi chàng diễn viên Mustafa bắt đầu tham gia trả lời câu hỏi trên Youtube dành cho người hâm mộ theo đuôi anh trên Twitter bằng hàng loạt video đặc biệt của anh trong trang phục quấn khăn tắm và bối cảnh phòng tắm (anh trả lời với hơn 180 videos ngắn với người nổi tiếng như Demi Moore, Ellen DeGeneres, and Perez Hilton – với một tốc độ cực kỳ nhanh chóng). Điểm hay nhất của clip Old Spice Guy này là gì ư? Đó chính là việc gắn kết với những người theo dõi anh trên mạng và bằng những video và tuyên bố như thế này.
Thợ săn Tipp-Ex
Công ty sản xuất bút tẩy Tipp-Ex đã trở thành điểm nóng trên các báo khi đưa ra một video tương tác trên Youtube với tên gọi: “NSFW: A Hunter Shoots A Bear” (Người thợ săn bắn gấu). Trong video này, một người đàn ông sắp sửa bị một con gấu khổng lồ tấn công, ông ta la lên: “Này, ta không muốn bắn con gấu này!”. Sau đó ông ta xóa mờ chữ “bắn” và yêu cầu người xem thay đổi câu chuyện bằng cách điền động từ mà họ muốn vào chữ đã bị làm mờ. Có rất nhiều bản thu được gửi tới để điền vào từ này (tuy nhiên, nếu động từ của bạn không khớp, màn hình của bạn sẽ hiển thị hình con gấu và người thợ săn đang trưng biển “Error 404”).
Greenpeace Orangutan
Khi tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace muốn công ty Nestle dừng việc sử dụng dầu cọ, một loại dầu thực vật được dùng trong quá trình chế biết thực phẩm, bởi vì họ cáo buộc đây là việc làm cạn kiệt tài nguyên rừng và xóa bỏ môi trường sống tự nhiên của loài đười ươi, họ đã quyết định sử dụng chiến dịch viral. Các nhà hoạt động đã bắt tay với các nhà sản xuất xây dựng một video nhại lại Video “Need a Break” của Nestle bằng hình ảnh một nhân viên văn phòng đang trong trạng thái stress và nhai ngón tay thay cho kẹo Kit Kat của Nestle. Video này phần lớn được làm bằng đồ họa (ở hình ảnh ngón tay chảy máu) nhưng nó chắc chắn đã chuyển tải được thông điệp chính – video này cũng đã đạt giải “Viral Video hay nhất năm 2010” tại Liên hoan phim ngắn Berlin.
Toy Story 3
Câu chuyện đồ chơi 3 – bộ phim đạt doanh thu cao nhất năm 2010, trên 1 tỷ đô la trên toàn cầu – đã có một chiến dịch viral video độc đáo nhất trong năm vừa qua, dựa trên ý tưởng mô phỏng lại những phim quảng cáo mang màu sắc lãng mạn cổ điển của những năm 80 của một nhân vật đồ chơi được giới thiệu trong phim. Video có tên gọi “Lots o’ Huggin Bear” (thậm chí video này còn có cả một phiên bản tiếng Nhật). Chiến dịch khổng lồ này cũng làm riêng một đoạn phim miễn phí gồm 2/3 nội dung phần đầu của phim dành cho sinh viên (nhưng họ phải trả tiền để xem nốt đoạn còn lại, khi bộ phim chính thức công chiếu). Song song với việc này, họ cũng đưa ra 3 video chỉ phát hành trên internet (bao gồm đoạn Woody và Buzz chat với nhau qua IM) và một ứng dụng của Disney dành cho Facebook cho phép người chơi mua vé trực tiếp từ website và nhận được thông báo nếu có bất kỳ ai trong số bạn trên FB của họ cũng đặt vé như vậy. Thêm vào đó là hàng loạt những video phỏng vấn ngắn 70 giây với búp bê Ken có tên “Groovin’ with Ken” và Walt Disney tại Anh đã phát hành một loạt video tương tự về chủ đề “Ken’s Dating Tips” (bí quyết hẹn hò của Ken).
Mountain Dew
Hãng Mountain Dew đã thực hiện thành công “Chiến dịch DEWmocracy” trong việc quyết định hương vị mới, được bầu chọn bởi khách hàng, cho sản phẩm của họ. Từ cuối năm 2009, công ty này đã mời các cá nhân và các công ty quảng cáo nộp những video quảng cáo 12 giây dành cho những hương vị mới (ba mùi Distortion, Typhoon và White Out đã vào chung kết). Những người tham gia bầu chọn gửi tin nhắn lựa chọn của mình hoặc bầu chọn trực tuyến thông qua trang www.dewmocracy.com. WhiteOut cuối cùng đã chiến thắng, nhờ màu sắc nổi bật của sản phẩm và bao bì hết sức sành điệu.
Tron: Legacy
Chiến dịch viral của “Tron: Legacy” đã trải qua một con đường dài và gian khó trong suốt hai năm qua, cuối cùng thì cũng đi đến đoạn kết khi bộ phim chính thức ra mắt vào ngày 17/12/2010. Chiến dịch này bao gồm các phần sau: Các công viên Disneyland thay đổi trang trí từ những đường viền bằng đèn sáng thành vòng tròn sáng, một trò chơi trực tuyến, và trang www.flynnlives.com – một trang web được duy trì bởi những người tin vào nhiệm vụ của Kevin Flynn (do Jeff Bridges thủ vai) và tổ chức của anh ta. Hồi tháng 10, một đoạn giới thiệu 23 phút về bộ phim đã được chiếu tại các rạp IMAX trên toàn thế giới, và buổi chiếu ra mắt bộ phim dự kiến cũng được phát sóng trên internet. Rõ ràng là những nhà marketing cho bộ phim Tron này đang cố gắng không để thất bại năm 1983 của nó lặp lại. Cho dù kết quả của chiến dịch này thế nào thì nó cũng đã khá phổ biến và bạn vẫn còn có thể tìm thấy trên mạng.