05 November, 2008
Người xưa có câu: phải biết mình sẽ đi đâu trước khi tính xem mình đi tới đó bằng cách nào.
Cũng như vậy, trước khi lập kế hoạch chiến lược, thậm chí trước khi bạn nghĩ tới chuyện sẽ sử dụng sản phẩm truyền thông nào, sự kiện gì… bạn cần phải xác định được mục tiêu của mình.
Bạn đang cố gắng làm gì?
Phần này là phần để bạn xác định bạn đang cố gắng để đạt được điều gì trong kế hoạch truyền thông của mình. Ví dụ:
– Bạn có muốn giáo dục khách hàng của mình không?
– Bạn có muốn tìm kiếm, xây dựng sự ủng hộ hay bạn muốn tạo ra nhu cầu?
– Bạn có muốn khiến mọi người làm một việc gì đó khác đi không?
– Bạn có muốn xoa dịu một vấn đề nào đó không?
– Bạn có muốn cải thiện kết quả tìm kiếm về công ty/sản phẩm/nhân sự cao cấp của bạn không?
– Bạn có muốn nâng cao danh tiếng của công ty bạn không?
– Bạn có muốn xuất hiện trên báo chí cả online và offline nhiều hơn không?
Cho dù bạn muốn làm bất cứ việc gì đi nữa, thì đây cũng là chỗ để bạn xác định ra nó.
Xác định mục tiêu
Có lẽ bạn sẽ cần phải sử dụng đến "thần chú" của các trường kinh tế vậy – mô hình SMART. Mục tiêu của bạn cần phải:
Specific – cụ thể
Measurable – có thể đo lường được
Achievable – có thể đạt được
Realistic – thực tế
Time-focused – tập trung vào yếu tố thời gian
Nếu bạn nghiên cứu kỹ mô hình này tại Manager Tools, bạn sẽ nhận thấy một khi bạn đảm bảo được hai yếu tố là "M" và "T", bạn gần như có thể đảm bảo tiếp được các yếu tố còn lại. Hãy chắc chắn là mục tiêu của bạn có thể đo lường được và quan tâm tới yếu tố thời gian. Tính Cụ thể, Có-thể-đạt-được và Thực tế cũng sẽ liên quan mật thiết tới hai yếu tố này.
Các mục tiêu mơ hồ sẽ trở thành "cạm bẫy" sau này. Hãy đảm bảo là bạn có thể đo lường được chúng và bạn sẽ buộc phải "cụ thể" chúng. Đối với "Achievable" và "Realistic", nếu mục tiêu của bạn không đáp ứng được hai tiêu chí này, bạn sẽ không "được phép" cũng như không có khả năng, viết bất kỳ một bản kế hoạch nào, chứ chưa thể nói đến một kế hoạch truyền thông.
Mục tiêu kinh doanh và mục tiêu truyền thông không phải là một
Một trong những phần khó nhất của phần này là bạn phải phân biệt được sự khác nhau giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu truyền thông. Việc phân biệt, không nhầm lẫn hai loại mục tiêu này đặc biệt quan trọng. Hãy nhớ rằng bạn không thể chịu hết trách nhiệm cho thành công hay thất bại của cả hai mục tiêu này.
Bạn vẫn có thể đưa một phần mục tiêu kinh doanh vào trong mục tiêu truyền thông. Làm như vậy bạn có thể đảm bảo được là chương trình của bạn có hỗ trợ cho mục tiêu kinh doanh tổng thể, chứ bạn không thể thực hiện trực tiếp các mục tiêu kinh doanh này.
Sử dụng phân tích trước đó
Các phần trước đây hoàn toàn là phần phân tích, đừng để lãng phí các phân tích này. Hãy nhìn lại xem bạn mong muốn các đối tượng của bạn sẽ phản ứng như thế nào. Xem lại xem báo chí đã nói gì về vấn đề của bạn. Hãy xác lập mục tiêu của mình từ những thực tiễn này.
Ấn tượng nào sẽ lưu lại?
Nếu có một điều gì đó bạn muốn mọi người nhớ về chương trình của bạn, thì đó là gì?
Điều này không cần bạn phải viết ra như là một "thông điệp chính", nhưng nó nên cô đọng được những thông tin cần thiết nhất về những gì bạn đang làm.
Theo Dave Fleet, ông lần đầu tiên phát hiện ra cái gọi là "ấn tượng còn mãi" trong một kế hoạch truyền thông mới chỉ vài năm trước đây, và ông rất thích nó. Nó khiến bạn phải đúc kết những gì bạn đang làm trong một hoặc hai câu mà một người "trung bình" có thể hiểu được. Đây là một cách tuyệt vời giúp cho người đọc kế hoạch của bạn, ở khía cạnh đơn giản nhất, có thể biết được "chuyện gì đang diễn ra".
Đây là một điểm quan trọng mà bạn phải ghi nhớ trong suốt quá trình lập kế hoạch của mình. Bạn viết nó ra để giúp bạn có một cách tiếp cận phù hợp với các hoạt động truyền thông cũng như giúp người khác hiểu (và ủng hộ, thông qua) kế hoạch của bạn. Hãy giữ nó thường trực trong đầu trong suốt quá trình lập kế hoạch.
Một lợi ích nữa của việc xác định được "ấn tượng còn mãi" này là giúp bạn học được cách diễn tả ý tưởng chính của toàn bộ chương trình của bạn một cách đơn giản. Đây là một kỹ năng cần thiết cho một người làm truyền thông.