Expert Talks with tags , , 17 April, 2009

Vài đặc trưng cơ bản về giao diện website doanh nghiệp Việt Nam

Trong bài trước, bạn đã được ngắm chân dung website của 40 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về tiềm lực kinh tế, những doanh nghiệp, nói một cách chủ quan nhất, là có nhiều điều kiện và thừa điều kiện để đầu tư vào website của mình một cách tốt nhất. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư nhiều là có thể mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa kể đến những doanh nghiệp có ngân sách hạn hẹp và nhân lực kiêm nhiệm, hạn chế.

Hiện trên VnnSearch – Danh bạ website VN, có 21,392 website doanh nghiệp VN, bạn có thể vào đây và click thử 20 giao diện ngẫu nhiên, bạn sẽ có được cảm nhận của riêng mình. Rất khó để tổng kết một bức tranh toàn cảnh, dưới đây là ấn tượng và kinh nghiệm của tôi về những website mà tôi đã từng biết, mặc dù không phải là tất cả, nhưng xu hướng chung chia sẻ những đặc điểm này.

Mỏi tay

Trước hết, phải nói rõ rằng chúng ta đang bàn tới website doanh nghiệp (corporate website) chứ không phải các loại hình website và weblog khác. Bất kỳ một loại hình nào cũng có những nguyên tắc riêng và một mẫu số chung (tôi sẽ viết về các nguyên tắc này ở một bài viết khác), và website doanh nghiệp cũng vậy. Nhưng dường như website doanh nghiệp Việt Nam đang nằm ngoài các nguyên tắc và mẫu số chung dành cho website doanh nghiệp trên thế giới.

Nếu bạn là người duyệt web nhiều, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi về điểm này: đọc website doanh nghiệp Việt Nam quá mỏi tay! Sẽ không khó khăn gì để bạn tìm thấy một website doanh nghiệp Việt Nam mà ngay từ trang chủ, bạn đã phải cuộn chuột tới cứng cả tay mới đến được chân trang. Nếu trải ra đất, các website này dễ chừng phải dài tới hàng mét. Trong khi, website doanh nghiệp có giao diện đẹp trên thế giới chỉ tốn của bạn chừng hai lần rưỡi cuộn chuột đối với các trang trong và trung bình là 1 và 1,5 lần cuộn chuột ở homepage.

Mỏi mắt

Khoan hãy nói tới những yếu tố về “usability” “readability” hay “rigid system” hay các kỹ thuật trong thiết kế website, mà hãy nói về cảm nhận trực quan. Bạn có thấy mỏi mắt không? Nếu trung thực, đáp án sẽ là “CÓ”. Quá mỏi mắt, nhờ các đặc điểm phổ biến sau:

  • Sử dụng nhiều màu: Một trang web có thể có đến cả chục màu khác nhau không phải là của hiếm. Các màu sắc này được sử dụng không theo bất kỳ nguyên tắc nào và hết sức ngẫu hứng. Màu chủ đạo của trang có thể chẳng ăn nhập gì với màu của logo và màu nhận diện thương hiệu. Các tab, button, menu có cùng nhiệm vụ, chức năng với nhau có thể được tô vẽ bằng nhiều màu khác nhau.
  • Lạm dụng ảnh động: Một giám đốc doanh nghiệp khá nổi tiếng có lần đã nói với tôi rằng web động nghĩa là web có nhiều hình động. Vâng, có lẽ quan niệm và cách giải thích hết sức “đơn giản” đó đã khiến mọi người đổ xô vào một cuộc chạy đua “web động”, khiến cho nhiều khi bạn truy cập vào một trang web mà cứ tưởng là dừng ở ngã sáu giao thông với vô vàn biển hiệu lập lòe.
  • Lạm dụng banner quảng cáo: Có thời gian hầu như website doanh nghiệp nào cũng dành đất cho quảng cáo, ngay cả khi… không có gì để quảng cáo. Các quảng cáo này cũng được thiết kế để “nhấp nháy” một cách tối đa.
  • Phi bố cục: Nhiều website không thể hiện được bất kỳ bố cục nào, hay nói cách khác là bố cục không theo nguyên tắc nào khiến cho người đọc không biết phải nhìn vào đâu, đọc cái gì trước, và kết quả là bị “mù” mặc dù rất nhiều thứ bày ra trước mắt.

Định hướng “Dân trí”

Nếu như gần 10 năm trước, mở trang web nào ra cũng thấy hao hao, nhang nhác bóng hình của báo điện tử vnexpress, thì gần đây, chúng ta gặp bóng hình của dantri.com.vn (phiên bản cũ). Từ cách bố trí thông tin đến tab, button và ảnh. Đặc thù của một tờ báo điện tử khác hoàn toàn với một trang web doanh nghiệp, do đó khi bắt chước vnexpress hay Dân trí, website doanh nghiệp có một màu sắc… không thể tả nổi. Đây cũng là lý do khiến nhiều trang web kéo dài đến miên man, tưởng như không có hồi kết.

Cũng vì thế mà thay bằng tập trung vào dịch vụ và sản phẩm của công ty, đưa ra các công cụ hỗ trợ khách hàng truy cập, thì nhiều website doanh nghiệp lại trở thành một phiên bản bất đắc dĩ của các tờ báo. Đếm không xuể những doanh nghiệp mà website có đầy đủ các chuyên mục của một tờ báo và bố trí lẫn lộn với các thông tin về sản phẩm, dịch vụ của công ty. Điều này có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Từ việc đầu tư nhân sự cập nhật, đến quyền sử dụng thông tin và cung cấp nội dung trên internet, đến những nhầm lẫn không đáng có có thể gây ra cho người truy cập website.

Website của mỗi công ty thuộc quyền sở hữu riêng của công ty đó, và mỗi người chủ doanh nghiệp có quyền quyết định sử dụng nó vào mục đích như thế nào, trình bày và đăng tải thông tin như thế nào, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm tới các chức năng thực sự và cơ bản của một website doanh nghiệp. Đặc biệt vào thời điểm mà các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn tới hình ảnh của mình trước công chúng và mạng internet đang trở thành nơi giao tiếp lý tưởng và hiệu quả.  Nói một cách khác, website doanh nghiệp chính là thương hiệu của doanh nghiệp trên mạng, là bộ mặt, là nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp trên mạng, do đó cũng cần phải quan tâm chăm chút và hiểu đúng, chứ hiển nhiên website doanh nghiệp không phải là nơi để đăng tải thông tin thời sự, văn hóa, giải trí hay quảng cáo vô thưởng vô phạt.

Archives