Expert Talks with tags , , , , 28 March, 2009

Bạn đã tham gia “Giờ trái đất” như thế nào?

Chính xác phải là “Tôi đã tham gia “Giờ trái đất” như thế nào?

Bài viết này có lẽ không ra đời nếu không có các lý do sau: (1) Tôi đã hai lần chấp nhận lời mời tham gia vào “Giờ trái đất” trên Facebook. (2) Tối hôm qua tôi đã ngủ quên. (3) Hôm nay tôi đọc cuốn “Naked Economics”. (4) Tranh luận với ông xã về hành vi tiết kiệm điện trong mối quan hệ với những gì mà cuốn Naked Economics đề cập. (5) Tôi khá rảnh khi ngồi trên máy bay và suy nghĩ là cách để giúp tôi chống lại cảm giác buồn nôn lần đầu tiên gặp phải khi đi máy bay nhờ sự quá ưu hôi hám và xập xệ của một chuyến bay Jetstar. (6) Cuối cùng là nhiều bạn đã bàn ra tán vào về việc “Giờ trái đất” có thực sự có ý nghĩa với người Việt Nam hay không và thái độ cũng như văn hóa của người Việt Nam nhân sự kiện này. (7) Cho tôi bonus thêm một lý do nữa, là tôi (lại) tranh luận với ông xã về trình độ văn hóa của người VN nói chung và đạo diễn, kịch bản gia VN nói riêng sau khi xem “Watchmen” ở Hùng Vương Megastar sáng nay.

Lời hứa của một người lớn

Quay lại chuyện tôi đã tham gia như thế nào. Shame on me! Thật đáng xấu hổ. Không liên quan gì đến tính cách hay văn hóa người Việt mà nhiều bạn đang bàn đến, mà tôi xấu hổ vì đã thất hứa với chính mình. Lời hứa của một người lớn với một người lớn. Tôi đã là mẹ của trẻ con rồi cơ đấy, mà khả năng giữ lời hứa thế này là quá kém. Ban đầu tôi dự định sẽ tham gia khi ở nhà, bằng cách đưa cả nhà ra ngoài đi chơi, để không phải sử dụng điện trong nhà. Tuy nhiên tôi lại có công việc đột xuất phải vào Sài Gòn, và suy đi tính lại thì giờ đó tôi đang trên máy bay, và cách duy nhất tôi có thể thực hiện lời hứa của mình là tắt bóng đèn đọc sách phía trên đầu. Một việc rất đơn giản, thế mà tôi đã không thể làm được. Chính xác là không thể, vì cuốn Naked Economics là một cuốn sách quá hay, nó làm cho tôi cười như khi xem Kungfu Panda, và tôi bị buồn nôn, cho nên tôi không thể nào tắt cái đèn trên đầu đi được. Tôi không tính toán tới việc tắt cái đèn đó thì giúp gì cho hòa bình thế giới và liệu trái đất của chúng ta có xanh lên hay không, mà tôi rất cắn rứt, và thực sự xấu hổ, vì tôi hành động như một người lớn vô trách nhiệm với lời hứa của mình.

Lý do bạn tham gia vào “Giờ trái đất” là gì? Bạn quan tâm tới môi trường? Bạn lo cho tương lai của con cháu bạn? Bạn muốn cải thiện cuộc sống đang ngày càng trở nên khắc nghiệt trên trái đất? Bạn lo lắng tới những tảng băng ở Nam cực?

Lý do khiến tôi nghĩ là mình sẽ tham gia vào “Giờ trái đất” ư? Vì có một ai đó trong số bạn bè của tôi trên Facebook đã mời tôi tham gia sự kiện này. Đầu tiên tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ với bạn mình (tình bạn được xây cất trên lâu đài của sự ủng hộ mà). Sau đó tôi cho rằng đây cũng là một việc tốt, một việc mà mình không phải đắn đo quá nhiều, không mất chi phí, mà lại có thể bớt được một ít tiền điện (việc mà mẹ chồng và chồng tôi rất thích). Sau nữa là tôi muốn nhân cơ hội này để đưa mẹ chồng tôi đi cà phê, một việc mà tôi âm mưu từ Tết tới giờ mà chưa thực hiện được.

Tôi đã ngủ quên như thế…

Các bạn trên mạng nói người VN quá háo hức với sự kiện này, tham gia mà không biết hành động của mình có đáng giá không và nó thể hiện bản chất adua và bầy đàn. Một người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà tôi follow trên Twitter có trích dẫn lại lời của @mintran như sau: “I loved this quote from Minhtran: VN cúp điện cả năm mà nhiều người cũng hào hứng Earth Hour quá. Thực tế đi!” Sau đó là rất nhiều phản ứng đến từ rất nhiều người khác nhau với cùng một thái độ, đặc biệt là biểu dương EVN trong việc tham gia tích cực bằng các ngày trái đất, tham gia không cần PR, không cần báo chí, không cần phong trào (ám chỉ việc cắt điện thình lình). Có bạn viết: tắt đi một cái bóng đèn nhưng lại đốt lên 10 ngọn nến thì quá tội!!! Hoàn toàn đúng! Và có rất nhiều ý kiến khác.

Bạn vừa có thêm một thông tin về lý do vì sao một người VN bình thường như tôi lại “tích cực” tham gia vào phong trào này, và cũng vừa được biết tôi đã tham gia như thế nào (bạn nên phỏng vấn thêm vài người nữa để có bức tranh tốt hơn). Tuy nhiên, sẽ không tìm được câu trả lời chính xác, nếu như chúng ta không tìm hiểu được “động cơ” tham gia của người VN. Tất cả các động cơ của tôi liệt kê ở trên, không một động cơ nào liên quan tới môi trường, không tin bạn đọc lại xem. Do đó, tôi đã không thực hiện nó một cách dễ dàng như việc tôi chấp nhận tham gia nó. Bạn có tắt đèn ngày hôm nay không? Động cơ của bạn là gì? Nếu bạn không làm vì một động cơ nào, có lẽ tôi sẽ liệt bạn vào danh sách mà người ta đang gọi là “a dua” “bầy đàn”.

Trong cuốn Naked Economics có bàn rất nhiều đến động cơ, và nó gần như là lý do đầu tiên và sau cùng khiến người ta hành động, và kết quả có thể là tốt hoặc tệ hại, nhưng vấn đề là nó đảm bảo cho người ta hành động. Một động cơ mà cuốn này nêu ra, cũng liên quan tới điện và môi trường. Tác giả đưa ra một ví dụ về một ông bố luôn tìm cách đóng cửa phòng các con lại và tuyên bố không trả tiền cho điều hòa ở các phòng này, vì ông không muốn mất thêm tiền chứ không phải do ông lo tới việc thải ra nhiều carbon vào môi trường. Và tác giả kết luận, nếu việc sử dụng điện nhiều sẽ tính vào hóa đơn của anh mỗi tháng 200 đô la, bỗng dưng anh sẽ có ý thức hơn (và anh thành người thân thiện với môi trường – tôi nói). Hay nói một cách khác, nếu Chính phủ đánh thuế vào điện thì sẽ bảo vệ được môi trường, thay bằng việc kêu gọi mọi người thực hiện.

Câu chuyện này liên quan chặt chẽ tới chuyện của tôi, ngoài tất cả những lý do tôi biện minh cho việc không giữ lời hứa của mình. Hôm qua tôi cũng có một đêm đáng xấu hổ, xét theo phương diện lời hứa với chính mình và mong muốn sống gương mẫu để dạy dỗ tốt con trai. Hai vợ chồng tôi sau khi mệt mỏi lê la ở các vỉa hè và ngóc ngách nóng nực của Sài Gòn đã thất thểu quay về khách sạn tắm táp thật đã. Chúng tôi có ý định tắm xong sẽ lượn vào chợ Bến Thành để ăn đêm. Trong khi chờ tới lúc cái bụng có nhu cầu nạp thêm thức ăn, chồng tôi bật tivi lên xem bóng đá, tôi ngồi Tweet nhăng nhít và tán gẫu với một ông bạn đang ở Boston dự đám cưới cháu họ. Tôi vốn kỵ những căn phòng u tối nên tôi bật một bóng đèn ở đầu giường, một bóng đèn trên bàn làm việc và một bóng đèn ở góc phòng.

Chồng tôi nằm xem bóng đá, tất nhiên. Ông bạn của tôi sau khi lái xe từ New York tới Boston thì bị cúm và cũng không nói chuyện lâu, nên chúng tôi tạm biệt nhau nhanh chóng, và tôi cũng tự cho phép mình nghỉ ngơi bằng cách nằm xuống một lát. Rồi hai vợ chồng tôi ngủ một mạch đến 6h sáng, với tivi vẫn bật, ba bóng đèn và hai cái máy tính trong tình trạng hoạt động. Tôi trở mình vài lần trong đêm và có nhận ra việc đó nhưng lại ngủ tiếp vì quá buồn ngủ. Sáng nay tôi đã áy náy rất nhiều, vì tôi thấy mình sẽ khó dạy con được nếu như vẫn hành động như vậy. Điều này khiến tôi nghĩ rất nhiều về việc tham gia giờ trái đất.

Tại sao tôi lại không bật dậy và tắt đèn? Vì tôi đã trả tiền phòng 80 đô la, thanh toán bằng thẻ Visa ngay khi vừa đến. Và tôi có một hành động xấu theo kiểu người Việt,  “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Tức là việc tôi có tắt đèn hay không chẳng ảnh hưởng gì tới cái 80 đô la mà tôi đã trả kia cả, và chắc chắn là tôi cũng không được thối lại tiền nhờ tiết kiệm điện, trừ khi tôi thuộc tuýp người không thể ngủ được nếu để đèn (nhân tiện, tôi là người đã bất tất cả đèn khi ngủ trong suốt 10 năm liền sống một mình, một tuýp người điển hình không thân thiện với môi trường).

Hành động của tôi là đáng xấu hổ, trên phương diện không thể làm gương cho con cái, và xét theo thói xấu của người Việt, chứ không liên quan gì đến môi trường. Bởi vì tôi chẳng có động cơ sát sườn nào liên quan đến việc tiết kiệm điện cả!

Hút thuốc lá là có lợi, cũng như lãng phí điện là có lợi!

Chồng tôi đã bực mình, không tin và gần như phát cáu khi tôi tuyên bố như vậy. Hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe nhưng lại có lợi cho xã hội! Cuốn sách nói trên đã kết luận như vậy. Vì nó chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có xu hướng chết trẻ ở giữa tuổi 50, do đó Chính phủ tiết kiệm được khá nhiều tiền lương hưu cũng như những người còn sống được thừa hưởng những phần phúc lợi, bảo hiểm mà nhẽ ra thuộc về những người này. Kinh tế học là thế, không vô đạo đức nhưng phi luân lý! Nó nói vậy. Chồng tôi không chấp nhận tư tưởng này.

Bởi vì chồng tôi là người phù hợp nhất để tham gia giờ trái đất, vì chồng tôi có ý thức tiết kiệm điện đến tận xương. Các biểu hiện đó như sau: tắt đèn bất cứ khi nào ra khỏi phòng, tắt tất cả các thiết bị khi không dùng đến, không bật tất cả các đèn nếu ánh sáng đủ để nhìn thấy các vật, không bao giờ bật điều hòa thấp hơn 26 độ, không dùng bàn là, không dùng máy đun và làm lạnh nước… Chồng tôi làm việc này hàng ngày và bất cứ khi nào. Giữa chúng tôi có mâu thuẫn nho nhỏ liên quan đến việc này. Chân dung của tôi là: bật ti vi lẫn đèn để đi ngủ, biết mà vẫn để với niềm tin là sẽ ngủ ngon hơn, là quần áo mỗi buổi sáng, bật điều hòa lạnh nhất có thể và chỉ tắt khi ra khỏi phòng, bật tất cả những cái gọi là đèn bất cứ khi nào có thể, kể cả ban ngày, dùng một lúc hai máy tính, chỉ tắt bình đun nước trước khi ra khỏi văn phòng. Chân dung này của tôi khiến tôi xấu xí hơn rất nhiều trong mắt chồng tôi, và hôm nay tôi quyết định lấy lại cảm tình, nhưng không phải bằng cách làm những gì chồng tôi làm…

Tôi bắt đầu tranh luận.

Tôi nói với chồng tôi rằng việc chồng tôi tiết kiệm điện bằng cách tắt hộ tôi bình đun nước ở văn phòng là một việc làm vô nghĩa và tốn kém. (Chồng tôi rất cáu, mặt đỏ lên). Tôi lý giải: (1) nếu xét về góc độ tiết kiệm điện, thì việc bật bình nước và tắt đi, sau đó khi cần lại bật lại sẽ tốn nhiều điện hơn so với việc bật liên tục và rơ le sẽ tự ngắt khi đã nóng đủ, bởi vì trung bình tôi cần uống 3 ly cà phê cỡ lớn trong một buổi sáng. Việc bật tắt bật tắt vừa tốn điện làm nóng trở lại và vừa làm mất thời gian của tôi, nếu quy ra thóc thì cũng là một đống lớn. (2) việc chồng tôi tắt bình nước mà không báo khiến tôi phải đổ cà phê đi khá nhiều vì pha nhầm nước lạnh, và tiền cà phê thì đắt hơn tiền điện. (3) chi phí mỗi lần tôi cáu kỉnh vì việc pha nhầm cà phê là không tính được: chồng tôi sẽ sớm phải ôm một cô vợ già, tôi mất hứng làm việc, vì tôi nghiện cà phê nặng, nhân viên của tôi có thể phải chịu đòn, bị mắng tơi tả vì một việc mà lúc tôi uống cà phê có thể tôi sẽ cho qua…

Tôi lại tiếp tục nói với chồng tôi rằng, việc chồng tôi chỉ bật ít đèn nhất có thể cũng là một tác hại. Vì ánh sáng trong văn phòng và trong nhà ở đã được kết luận là sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới tâm lý con người. Trong trường hợp của tôi, tôi dễ rơi vào trạng thái chán việc, thậm chí trầm cảm, thiếu sáng tạo nếu như phải ngồi trong một căn phòng ánh sáng âm u, lờ mờ. Ngược lại, tôi trở nên hoạt bát, náo động, sáng tạo, tập trung và… trung thực với chính mình hơn, khi làm việc trong một căn phòng sáng căng, mọi vật nét đanh. Và không ít người có chung cảm giác như vậy. Vậy thì việc chồng tôi giảm ánh sáng trong phòng có tác động xấu tới tâm lý và hành vi của tôi, tôi trở nên kém năng suất, kém giao tiếp và thậm chí không có khả năng làm gì. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của chồng tôi, vì tôi hiện đang là một cộng sự đắc lực. Bằng cách tiết kiệm vài chục k tiền điện mỗi tháng, chồng tôi có thể mất hợp đồng vài trăm triệu, thậm chí nhiều hơn, nhờ sự uể oải và cáu bẳn của tôi.

Độc thoại

Tất nhiên là chồng tôi vẫn chưa thông qua “đạo luật” mà tôi vừa ban hành. Và việc không có khả năng tiết kiệm điện của tôi được coi là một hành vi “mọi rợ” (đấy là tôi tự kết luận, nếu cứ chiểu theo quan điểm của chồng tôi). Cho nên tôi quyết định nói chuyện một mình bằng cách này.

(Lại) Naked Economics liệt kê ra rất nhiều ví dụ về cái gọi là “ý định tốt đẹp mà kết quả thì ở dẹc”. Ví dụ như tổng thống Bill Clinton đã kịch liệt phản đối các hãng hàng không không dành ghế riêng cho trẻ em, thứ quý giá nhất trên chuyến bay, trong khi lại cất hành lý rất cẩn thận. Do đó, ông đề nghị phải có ghế riêng cho trẻ em nhằm giảm thiểu tai nạn khi gặp sự cố, trong khi các hãng hàng không thì không có chính sách miễn vé hoặc ưu đãi giá vé đáng kể cho trẻ em. Việc này dẫn tới các gia đình thay vì đi máy bay chuyển sang lái ô tô, và hậu quả là số người chết, trong đó có trẻ em, tăng lên do di chuyển bằng ô tô thì kém an toàn hơn máy bay. Và rất nhiều ví dụ buồn cười khác…

“Giờ trái đất” là một ý định tốt đẹp, kết quả toàn bộ chương trình thế nào chưa rõ, nhưng với tôi đúng là dở ẹc. Vì bỗng dưng tôi thay bằng tựa vào vai chồng tôi ngủ ngon lành suốt chuyến bay thì lại rơi vào tranh cãi, thay bằng việc ngủ ngon sau chuyến đi mệt thì lại thức tới giờ này là 2:24 phút để viết (và tất nhiên là tốn điện), và việc tôi có ý định viết blog nhảm nhí lại trở thành hiện thực và tương lai hứa hẹn tôi sẽ có nhiều giờ viết và sẽ còn tốn nhiều điện hơn, và có thể ngày mai khi chồng tôi đọc bài này sẽ lại còn phát điên hơn…

Vậy thì làm sao để một kẻ xấu xí như tôi có thể hành động có lợi cho môi trường? Nếu như tất cả mọi người cùng kết luận sử dụng ít điện đi thì sẽ tốt hơn cho môi trường thì có lẽ việc đó là đúng, mặc dù tôi không thích chân lý cứ phải thuộc về số đông. Vậy thì hãy nghĩ cách để mọi người hành động, mà theo tôi là phải tác động vào động cơ của họ. Các động cơ mà tôi nêu ra ở trên quá yếu hoặc quá nhảm nhí, nhưng thử hỏi, nếu tôi phải trả 1 đô la cho mỗi giờ tôi sử dụng điện tại khách sạn, hay số tiền mà tôi phải trả cho việc thắp sáng và uống nước nóng chiếm tới 1/3 thu nhập của tôi, chắc chắn tôi sẽ nghĩ lại.

Tôi cũng đã nghĩ tới việc tại sao Nhà nước không phân chia để tính giá điện. Mà theo thiển ý của tôi là tính giá điện sinh hoạt thật cao và tính giá điện sản xuất thấp chứ không phải ngược lại như hiện nay. Quan điểm này đã bị chồng tôi dội một gáo nước lạnh ngay từ sân bay Tân Sơn Nhất. Và tôi từ bỏ ý định làm nhà chính sách. Nhưng những gì mà tôi đọc được mách bảo rằng, bài toán này cần một bàn tay của chính phủ, nhưng luật thì thường không thông qua những khoản thuế (chi phí) khó thu, khó minh bạch, và việc phân chia đối tượng để tính giá điện nằm trong cái mắc mớ này. Có lẽ tôi, nhà nước, và trái đất này cần các bạn tư vấn về việc phân chia giá điện cũng như cách nào phát hiện và tác động vào động cơ của người dùng để kiểm soát được hành động của họ. Nếu không, có lẽ tôi sẽ vẫn chưa phải là ví dụ điển hình nhất.

Còn bạn? Bạn đã tham gia “Giờ trái đất” như thế nào?

Archives