Expert Talks with tags , 13 April, 2005

10 điểm khác nhau giữa Quảng cáo và PR

Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc hay đang cố gắng quảng bá công ty của mình, bạn có thể có rất nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa Quảng cáo và PR.

Đây là hai lĩnh vực rất khác nhau cho dù chúng thường xuyên bị nhầm lẫn, bị coi là một hoặc coi như nhau. Dưới đây là 10 điểm dễ nhận thấy nhất trong số rất nhiều những điểm khác biệt giữa hai ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng (PR).

1. Trả tiền đăng báo hay Miễn phí

Quảng cáo: Công ty của bạn phải trả tiền cho phần “đất” quảng cáo. Bạn biết chính xác khi nào quảng cáo của bạn sẽ được đăng tải hoặc phát sóng.

PR: Việc của bạn là phải “kiếm” được các phần “đất” miễn phí cho công ty mình. Từ việc họp báo đến thông cáo báo chí, bạn phải tập trung vào việc xuất hiện trên báo một cách miễn phí dưới dạng những bài viết hoặc tin về công ty và sản phẩm, dịch vụ của mình.

2. Kiếm soát việc sáng tạo hay Không sáng tạo

Quảng cáo: Bởi vì bạn trả tiền để đăng quảng cáo, cho nên bạn có toàn quyền sáng tạo những gì bạn muốn đưa ra trong quảng cáo đó.

PR: Bạn không có quyền điền khiển việc báo chí sẽ thể hiện thông tin về bạn như thế nào hay họ có đăng cho bạn hay không. Họ không nhất thiết phải đăng tải thông tin về sự kiện của bạn hay thông cáo báo chí của bạn chỉ bởi vì bạn đã gửi đến cho họ.

3. Thời hạn

Quảng cáo: Bởi vì bạn trả tiền quảng cáo, bạn có thể đăng đi đăng lại bao lâu mà bạn muốn, chừng nào ngân sách của bạn còn cho phép. Thông thường vòng đời của một quảng cáo thường dài hơn rất nhiều so với một thông cáo báo chí.

PR: Bạn chỉ gửi một thông cáo báo chí về một sản phẩm mới của bạn duy nhất một lần. Bạn cũng chỉ gửi thông cáo báo chí về cuộc họp báo của bạn một lần. Và khả năng đưa tin trên báo dưới dạng bài viết PR cũng chỉ có thể xuất hiện được một lần. Không có bất kỳ ông tổng biên tập nào lại đăng tại cùng một thông cáo báo chí của bạn trên ba hay bốn số báo.

4. Khách hàng khôn ngoan

Quảng cáo: Khách hàng biết ngay khi họ đọc một quảng cáo là: “người ta đang tìm cách bán hàng hóa và dịch vụ cho mình đây!”

Khách hàng hiểu rằng bạn phải trả tiền để gửi thông điệp bán hàng đến cho họ, và thật không may, khách hàng thường xuyên xem những thông điệp bán hàng của bạn một cách hết sức thận trọng. Và rốt cuộc, họ biết rằng bạn đang tìm cách bán hàng cho họ.

PR: Khi một độc giả đọc một bài báo viết về sản phẩm và dịch vụ của bạn hay xem một bản tin trên ti vi, họ thường cho rằng bạn không trả tiền cho các tin này và họ xem xét, lắng nghe chúng một cách khác hẳn so với việc xem quảng cáo.

Khi bạn xuất hiện trên báo chí, truyền hình dưới dạng tin, bài độc lập, bạn có thể tạo dựng được uy tín lớn đối với khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của mình.

5. Sáng tạo hay Nhạy cảm thông tin

Quảng cáo: Trong quảng cáo, bạn phải thử thách khả năng sáng tạo của mình trong việc tạo ra một chiến lược và chất liệu quảng cáo mới.

PR: Trong PR, bạn phải có một khả năng nhạy cảm với tin tức và có khả năng tạo ra dư luận từ tin tức đó. Bạn phải thử thách khả năng sáng tạo trong việc tạo ra một tin tức mới có khả năng thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

6. Trong nhà hay Trên phố

Quảng cáo: Nếu bạn đang làm cho một công ty quảng cáo, các quan hệ chính của bạn là những người cộng sự và các khách hàng của công ty. Nếu bạn thay mặt khách hàng mua đất để quảng cáo và lập kế hoạch về thời gian đăng quảng cáo, thì bạn cũng chỉ phải làm việc với bộ phận khách hàng của các báo, đài.

PR: Bạn quan hệ với giới truyền thông, báo chí và xây dựng quan hệ với họ. Quan hệ của bạn không chỉ giới hạn ở việc giao tiếp “trong nhà”. Bạn luôn luôn quan hệ chặt chẽ với các “đầu mối” quan trọng tại các báo, đài.

7. Khách hàng mục tiêu hay Các ông tổng biên tập quen biết

Quảng cáo: Bạn tìm kiếm khách hàng mục tiêu của mình và quảng cáo tập trung vào nhóm đối tượng này. Chắc chắn bạn sẽ không quảng cáo đồ dành cho phụ nữ trên các tạp chí thể thao dành cho đàn ông.

PR: Bạn cần phải có quan hệ trước với các tổng biên tập hoặc biên tập viên và làm cho họ sử dụng thông tin của bạn cho các bài báo của họ, hay đăng thông cáo báo chí hoặc đưa tin về sự kiện của bạn.

8. Quan hệ hạn chế và Không hạn chế

Quảng cáo: Một số bộ phận thuộc công ty quảng cáo như phòng Kế toán có thể phải làm việc với khách hàng thường xuyên. Nhưng những người khác như đội ngũ viết lời cho các quảng cáo (copywriters) hay hoạ sỹ thiết kế có thể chẳng bao giờ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cả.

PR: Trong PR, bạn luôn có mặt, và giữ quan hệ với báo giới. Một chuyên gia PR không phải chỉ được người ta gọi đến khi có những tin tốt lành.

Nếu có một sự cố trong công ty của bạn, bạn có thể phải là người phát ngôn hoặc xuất hiện trước ống kính truyền hình để trả lời phỏng vấn. Bạn có thể đại diện công ty của mình như một phát ngôn viên tại các sự kiện của công ty. Hoặc bạn có thể làm việc trong các mối quan hệ cộng đồng để làm cho công chúng thấy rằng công ty của bạn đang tham gia tích cực vào các việc tốt và cam kết đóng góp vào công việc chung của thành phố/đất nước và của người dân.

9. Các sự kiện đặc biệt

Quảng cáo: Nếu công ty của bạn tài trợ cho một sự kiện, bạn có thể sẽ không muốn bỏ tên mình ra ngoài danh sách nhà tài trợ trên phông sân khấu để chứng tỏ công ty của bạn lớn mạnh như thế nào. Đây chính là lúc để cho bộ phận PR nhảy vào việc.

PR: Nếu bạn đang tài trợ cho một sự kiện, bạn có thể phát hành một thông cáo báo chí và báo giới có thể đăng tải. Họ có thể đăng thông tin bạn gửi tới hoặc đưa tin về sự kiện.

10. Phong cách viết

Quảng cáo: Hãy mua sản phẩm này! Hành động ngay bây giờ! Hãy gọi cho chúng tôi ngay hôm nay! Đây là những gì bạn có thể nói trong một quảng cáo. Bạn muốn sử dụng những từ mạnh mẽ như thế để thôi thúc khách hàng mua sản phẩm của bạn.

PR: Bạn đang phải viết một cách nghiêm túc với một lối thể hiện tin tức “không được phép” nhạt nhẽo. Bất kỳ một thông điệp mang tính thương mại, chào hàng nào trong các giao tiếp của bạn sẽ không được giới truyền thông coi trọng.

Archives