Account Corner with tags , , , , , , 07 August, 2005

Kẻ cắp thương hiệu

Càng xây dựng, càng phát triển, càng bảo vệ thì thương hiệu doanh nghiệp càng bị xâm phạm một cách mạnh mẽ. Thương hiệu càng mạnh, càng nổi tiếng mức độ xâm phạm càng nhiều.

Nhận mặt hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá

Nếu chỉ có những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm thì chưa tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp. Bởi lẽ cùng một loại sản phẩm luôn có nhiều nhà sản xuất, nhà cung cấp khác nhau. Cho nên, để tạo lợi thế cạnh tranh, các nhà sản xuất phải tạo ra cho các nhãn hiệu hàng hoá của mình một sự nổi tiếng và uy tín vượt trội hơn so với các sản phẩm khác cùng loại. Các nhãn hiệu hàng hoá có uy tín luôn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và đi kèm với nó là sức tiêu thụ, sức mua đối với sản phẩm là rất lớn. Sự nổi tiếng của một nhãn hiệu trên thị trường không phải tự nhiên mà có, mà doanh nghiệp phải tốn không ít công sức, tiền bạc và thời gian để tạo nên nó. Bởi nó có khả năng tạo ra sức hấp dẫn rất lớn trên thị trường. Chính vì vậy, những nhãn hiệu này luôn phải đối mặt với cuộc chiến để chống lại những hành vi xâm phạm nhãn hiệu để thu lợi bất chính.

Làm giả sản phẩm

Đây là cách xâm phạm đơn giản nhưng trắng trợn nhất của những kẻ làm ăn bất lương. Một điểm dễ nhận thấy là các loại hàng giả đều có mẫu mã, kiểu dáng và nhãn hiệu giống hệt với sản phẩm chính hiệu nhưng chất lượng thì hoàn toàn khác, thậm chí còn gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Khi mua sản phẩm, nhìn bên ngoài, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả vì mẫu mã, kiểu dáng, nhãn hiệu của hàng giả giống y với hàng thật, thậm chí ngay cả nhà sản xuất cũng không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả mà phải sử dụng đến các công cụ phân tích. Trắng trợn hơn, những kẻ làm giả sử dụng chính mẫu mã, bao bì của hàng thật để làm hàng giả hoặc tìm cách rút bớt hàng thật ra và trộn lẫn hàng giả vào.

Nhái nhãn hiệu

Sau khi tạo được chỗ đứng trên thị trường, nhãn hiệu có uy tín của các hãng sản xuất đã bị lôi vào vòng xoáy của cuộc chiến làm nhái nhãn hiệu. Ngay lập tức, người ta nhìn thấy hàng chục các sản phẩm cùng loại với tên gọi na ná và mẫu mã, kiểu dáng tương tự với sản phẩm có uy tín. Những “cậu em song sinh” này cũng được bày bán công khai trên thị trường với mức độ làm giả, làm nhái rất tinh vi khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm chính hiệu, đâu là sản phẩm bị làm nhái.

Những nạn nhân điển hình

Một ví dụ điển hình là nhãn hiệu nước khoáng thiên nhiên LaVie. Có đến hàng chục sản phẩm làm nhái nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp của nước khoáng thiên nhiên LaVie. Những cái tên na ná với nhãn hiệu LaVie với thiết kế và mầu sắc tương tự làm người ta khó có thể phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm bị làm nhái. Chỉ cần sơ ý hoặc bất cẩn, người tiêu dùng đã bị mua phải một sản phẩm kém chất lượng với giá tiền của của một sản phẩm nổi tiếng. Tương tự, sản phẩm của các hãng mỹ phẩm, các hãng dược cũng liên tục bị làm nhái, làm giả. Thậm chí, cả những sản phẩm đòi hỏi cao về công nghệ như sản xuất xe máy cũng bị làm giả, làm nhái. Hãng xe máy Honda nổi tiếng đã phải rất đau đầu với hàng loạt các loại xe máy có hình dáng, mẫu mã và tên gọi tương tự với loai xe Wave, Future, Honda Dream do hãng này sản xuất. Thực tế, doanh nghiệp không thể tự bảo vệ mình trước những hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu này. Mức độ xâm phạm quá tinh vi và trắng trợn cũng như số lượng các vụ xâm phạm quá nhiều khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục cuộc chiến chống lại sự xâm hại của hàng giả, hàng nhái. Để xây dựng được chỗ đứng cho sản phẩm của mình doanh nghiệp đã phải bỏ ra những khoản chi phí không nhỏ, nay lại phải bỏ thêm không ít chi phí để bảo vệ nó và chống lại sự xâm phạm. Đấy là chưa kể đến những khoản thất thu của doanh nghiệp do việc không bán được hàng hoá. Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp nhằm bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá của mình lại không đạt được kết quả như mong đợi. Doanh nghiệp càng bảo vệ, hàng hoá càng bị làm giả, làm nhái. Phần thắng của cuộc chiến này luôn luôn thuộc về những kẻ làm ăn bất lương, còn các doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn nhận phần thua thiệt. Thậm chí, như hãng nước khoáng thiên nhiên LaVie còn phải từ bỏ mẫu mã sản phẩm truyền thống để đầu tư để thay đổi công nghệ, sản xuất nước khoáng LaVie theo một khuôn mẫu mới, kiểu dáng mới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế của doanh nghiệp chứ không phải là biện pháp bảo vệ lâu dài. Bởi lẽ việc làm giả, làm nhái theo mẫu mã, kiểu dáng mới không phải là một việc làm khó khăn. Tương tự, hãng cafe Trung Nguyên sau những thất bại trong việc giải quyết tranh chấp với đối thủ cạnh tranh đã phải chấp nhận thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện sản phẩm từ biển hiệu, kiểu dáng, mẫu mã đến hệ thống phân phối sản phẩm để tạo ra sự khác biệt với hàng nhái.

Ai cứu giúp doanh nghiệp?

Trong cuộc chiến này, doanh nghiệp phải cậy nhờ đến sức mạnh của luật pháp và tính hiệu quả của cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, mong đợi của doanh nghiệp dường như là vô vọng khi hệ thống pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật chưa hoạt động hiệu quả. Việc xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hoá được thực hiện chủ yếu bằng xử phạt hành chính trong đó nặng nhất là phạt tiền. Tuy nhiên, tác dụng của các biện pháp hành chính này tỏ ra không có hiệu quả. Mức phạt vi phạm và mức bồi thường thiệt hại trung bình từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho một vụ vi phạm theo quy định hiện hành không có nghĩa lý gì so với những khoản lợi nhuận thu được từ việc làm giả, làm nhái. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chịu phạt, chịu tiêu huỷ sản phẩm để sau đó lại tiếp tục vi phạm. Trách nhiệm hình sự được coi là có tính răn đe và phòng ngừa hiệu quả nhất nhưng cũng không có tác dụng. Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì việc sản xuất, mua bán hàng giả được quy định trong 3 điều 156, Điều 157 và 158. Tuy nhiên những trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự cho hành vi làm hàng giả, hàng nhái là không nhiều. Một vấn đề không thể bỏ qua là vai trò của cơ quan thực thi pháp luật như: Quản lý thị trường, Thuế, Công an kinh tế, Hải quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Thực tế, cũng giống như hệ thống quy phạm pháp luật, đến nay các cơ quan này chưa phát huy được vai trò của mình trong việc đồng hành cùng Doanh nghiệp chống lại nạn làm hàng giả, hàng nhái. Thứ nhất, thủ tục hành chính cho việc xử lý các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái rất rắc rối và phức tạp. Muốn đến lập biên bản, xử lý những trường hợp làm hàng giả, hàng nhái, cơ quan thực thi pháp luật phải lập được hội đồng với đầy đủ các cơ quan chức năng. Như vậy, đến khi có được đầy đủ các thành phần thì thì các chủ vi phạm đã tẩu tán hết tang vật. Thứ hai, một vấn đề cũng cần phải nói tới là tinh thần trách nhiệm của chính các cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm thực thi pháp luật. Sự lỏng lẻo, thờ ơ, thiếu trách nhiệm này đã tạo điều kiện cho việc vi phạm ngày càng trắng trợn và phổ biến hơn.

Nhãn hiệu hàng hóa

  • Là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau.
  • Là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc.
  • Nhãn hiệu hàng hóa bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ.

Những dấu hiệu nào có thể được bảo hộ là Nhãn hiệu hàng hóa?

  • Được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố độc đáo, dễ nhận biết hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết.
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đang được bảo hộ tại Việt nam (kể cả các nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia).
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực bảo hộ nhưng thời gian tính từ khi hết hiệu lực hoặc bị đình chỉ hiệu lực chưa quá 5 năm, trừ trường hợp hiệu lực bị đình chỉ vì nhãn hiệu hàng hóa không được sử dụng.
  • Không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa của người khác được coi là nổi tiếng hoặc với nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi.
  • Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đang được bảo hộ, hoặc với chỉ dẫn địa lý (kể cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) đang được bảo hộ.
  • Không trùng với KDCN được bảo hộ hoặc đã được nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ với ngày ưu tiên sớm hơn;
  • Không trùng với một hình tượng, nhân vật đã thuộc quyền tác giả của người khác trừ trường hợp được người đó cho phép

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như thế nào?

Sau khi đã xây dựng được một nhãn hiệu hàng hóa có đầy đủ các yếu tố phân biệt, một công việc hết sức quan trọng là doanh nghiệp cần phải ngay lập tức thực hiện đăng k‎‎ý nhãn hiệu hàng hóa đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ trước sự xâm phạm của các nhà sản xuất khác. Để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cần phải có các thông tin và tài liệu sau:

  1. Giấy ủy quyền đại diện có dấu và chữ ký của Người Nộp Đơn. Trong trường hợp Người Nộp Đơn không phải là pháp nhân, Giấy uỷ quyền phải được công chứng;
  2. 15 mẫu nhãn hiệu;
  3. Danh mục sản phẩm/dịch vụ yêu cầu bảo hộ và nhóm sản phẩm tương ứng theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (nếu biết);
  4. Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  5. Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế (tài liệu này có thể nộp trong thời hạn ba (3) tháng tính từ ngày nộp đơn).

Theo quy định, thời gian đăng ký một nhãn hiệu hàng hóa kể từ khi nộp đơn đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này thường kéo dài thêm 3 đến 4 tháng và trải qua các giai đoạn sau:

  1. Xét nghiệm hình thức (3 đến 4 tháng);
  2. Xét nghiệm nội dung (9 đến 11 tháng); và
  3. Cấp và công bố Văn bằng bảo hộ (1 đến 2 tháng).

 

Archives